Khoa Mỹ thuật trường Đại học Tôn Đức Thắng lâu nay đã thân quen với một dáng hình nữ sinh nhỏ nhắn, xinh xắn hàng ngày lên giảng đường bằng đôi nạng gỗ.

“Em từng nghĩ chết đi cho khỏi phiền ba mẹ’

Nhìn nữ sinh có gương mặt khả ái, nụ cười trong trẻo thật hồn nhiên, ít ai ngờ Nguyễn Thị Cẩm Nhung (quê huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) phải chịu thống khổ từ sớm. Năm lên 5 tuổi, một lần Nhung bị té ngã khi đang chơi đùa, làm gãy ngang phần xương trên chân phải.

Tưởng băng bó rồi khỏi, chẳng ngờ vài tháng sau, chỗ xương gãy biến chuyển xấu. Bác sĩ bảo phải tháo khớp để giữ mạng. Chẳng còn cách nào khác, cha mẹ đành nuốt nước mắt nhìn cô con gái từ nay gắn cuộc đời với đôi nạng gỗ.

“Mất đi một chân, em phải tập đi nạng từ lúc 5 tuổi. Mẹ là người tập luyện, dìu đỡ cho em đi suốt mấy tháng liền. Lần đầu tiên đi được thì bị ngã. Lúc đó em khóc rất nhiều, mẹ dỗ hoài không nín”, Cẩm Nhung chia sẻ trên báo Tiền Phong.

Bù lại với sự mất mát vì không được thỏa thích nô đùa như bè bạn, Cẩm Nhung rất ham học. Từ lớp 1 đến lớp 9, cô bé được cha mẹ đưa đón từ nhà đến trường. Lên cấp 3, Nhung tự đi lại bằng xe ba bánh. Tuy vậy, sự thiếu khuyết phần thân thể, cộng với những lời nói miệt thị có lần bắt gặp khiến nhiều lúc Nhung tự ti, buồn tủi.

“Lúc xưa còn ở quê, nửa đêm tủi thân em suy nghĩ bậy bạ rằng bản thân sao vô dụng quá, muốn chết đi để khỏi làm phiền ba mẹ, nhưng rồi dần cũng nghĩ thông suốt hơn bởi mình còn có tương lai. Em tự nhủ sẽ cố gắng học để ông bà, bố mẹ vui lòng. Gia đình muốn em có một cuộc sống tốt, và em hứa phải học tốt để sau này có được việc làm ổn để tự lo cho bản thân và báo hiếu ông bà, cha mẹ”, cô nữ sinh xứ dừa kể.

Chạm đến ước mơ sinh viên trường Mỹ thuật

Học hết cấp 3, cô gái đầy nghị lực quyết định sẽ lên Sài Gòn học tiếp đại học. Và ngành học mà Nhung hướng đến là mỹ thuật.

Nhung tâm sự với báo Tuổi Trẻ, từ nhỏ, em đã thích vẽ. Các bức tranh không hiểu sao lại có sức hút lạ kỳ, tạo sợi dây kết nối giữa bạn và thế giới xung quanh như bù đắp những thiệt thòi về mặt thể xác. Lại thêm muốn có việc không yêu cầu đi lại nhiều sau này, Nhung chọn học ngành mỹ thuật công nghiệp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Chơi thân với Nhung, Hầu Thị Thanh Trang (bên phải) luôn ở bên, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ mỗi khi bạn thân cần. Ảnh chụp mành hình báo Tiền Phong.
Chơi thân với Nhung, Hầu Thị Thanh Trang (bên phải) luôn ở bên, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ mỗi khi bạn thân cần. Ảnh chụp mành hình báo Tiền Phong.

Trúng tuyển vào trường, Nhung tự thân xoay xở với cuộc sống sinh viên. Cô gái được ở ký túc xã, hàng ngày lên giảng đường bằng đôi nạng gỗ.

“Giờ em có thể đi bất cứ chỗ nào trong trường. Leo hai tầng lầu cũng chỉ là “chuyện nhỏ”, còn những tầng cao hơn thì dùng thang máy. Đi xa thì hơi mệt, nhưng cứ nghỉ một xíu rồi đi tiếp thôi”, Nhung cười tươi tắn.

Bước sang tháng 4 này, Nhung chỉ mới tiếp xúc với các môn cơ bản, những bài tập vẽ tay. Cô gái xinh xắn cũng biết, mọi thứ chỉ ở bước đầu, và thử thách vẫn còn chờ đợi phía trước. Ở trường, các bài tập sẽ ngày một nhiều và khó hơn. Còn ở quê, ba em làm thợ hồ, mẹ lo việc nhà và chăm sóc hai đứa em đang tuổi ăn học, vì vậy tài chính chu cấp cho con cũng là điều đáng nghĩ.

Nụ cười của cô gái xứ dừa lạc quan giữa đất Sài thành. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.
Nụ cười của cô gái xứ dừa lạc quan giữa đất Sài thành. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Sắp hết năm nhất, Nhung vẫn chưa đòi sắm sửa máy tính. Những lúc cần làm bài tập, Nhung mượn máy của bạn hoặc dùng ở thư viện. Cô gái thổ lộ sắp tới sẽ kiếm việc làm thêm để đỡ một phần chi phí ba mẹ gửi lên, lại cũng có thêm cơ hội trải nghiệm cuộc sống.

ThS Nguyễn Đức Hồng Quang – giảng viên khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhận xét ngành nghề Nhung chọn tương đối khắc nghiệt; nhất là với những bạn khiếm khuyết. “Nhưng khó khăn đôi khi cũng là những tiền đề để con người ta đạt được những thành công bất ngờ. Điều quan trọng vẫn nằm ở Nhung cần tiếp tục giữ sự kiên trì và quyết tâm cho mình”, ông nói.