Các công nhân Trung Quốc làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Hunutlu ở Thổ Nhĩ Kỳ nói với tờ The Epoch Times rằng họ phải làm việc hơn 12 giờ/ ngày, 7 ngày một tuần với mức lương thấp, không được chăm sóc y tế đầy đủ, bị thu giữ hộ chiếu và mắc kẹt ở nước ngoài. Họ sống như “nô lệ”.
Nhà máy nhiệt điện Hunutlu ở Thổ Nhĩ Kỳ là dự án đầu tư trực tiếp lớn nhất của chính quyền Trung Quốc theo sáng kiến “Vành đai và con đường (BRI)”. Dự án có tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, chủ yếu từ Công ty Điện lực Thượng Hải. Nhà thầu phụ của dự án là Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng An Huy Trung Quốc. Dự án này nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên các liên kết thương mại toàn cầu thông qua đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Một công nhân Lưu Cường (biệt hiệu) nói với The Epoch Times rằng, anh đã được chào mời đi làm với mức lương hấp dẫn, 2.346 USD mỗi tháng. Vì vậy, anh đã tới làm việc trong Nhà máy Nhiệt điện Hunutlu. Một số công nhân như anh đã phải trả phí tuyển dụng từ 470 USD đến 1.560 USD.
Công nhân Trung Quốc phải làm việc nhiều giờ, bị khấu trừ lương
Anh nói: “Chúng tôi được thông báo rằng đây là một công việc bình thường, dự kiến 9 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ, công ty đã không ký hợp đồng, cũng không cấp bất kỳ giấy phép làm việc nào”.
Công nhân này cho biết, họ phải làm việc 84 giờ mỗi tuần, thức dậy lúc 6 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 11 giờ tối. Họ làm việc trong tình trạng thiếu đồ bảo hộ trên công trường.
Thời tiết mùa hè nóng nực ở Thổ Nhĩ Kỳ và thời gian làm việc ngoài trời quá nhiều giờ khiến họ bị chóng mặt và mệt mỏi. Khi bị thương ở chân, họ chỉ có thể nằm trong ký túc xá mà không được điều trị y tế. Có người có vết thương sâu ở da, cũng không được nhập viện, trừ khi anh ta bị gãy xương.
Công nhân này cho biết anh còn bị cắt giảm hơn một phần ba tiền lương tháng với lý do kỹ năng của anh không thể đáp ứng các tiêu chí của công việc.
Công nhân Trung Quốc sống như nô lệ ở nước ngoài
Công nhân Lưu cho biết, đại dịch đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Công trường bị bao bọc bởi hàng rào thép gai, giống như một nhà tù. Các công nhân bị giới nghiêm trong các khu vực sinh sống. Thức ăn thiếu chất dinh dưỡng và hiếm khi có thịt.
“Chúng tôi mệt mỏi, ốm yếu và cần nghỉ ngơi, nhưng không được phép”, Lưu nói.
Lấy lý do dịch Covid-19, nhà máy điện Hunutlu đã áp dụng chiến lược “đóng cửa”: Cấm bất kỳ ai rời khỏi khu vực nhà máy. Một số công nhân đã phản đối. Nhưng họ vẫn bị giữ tại công trường và không thể quay trở lại Trung Quốc. Hộ chiếu của họ đã bị thu giữ và các công nhân không thể xin được các giấy tờ cần thiết để quay về Trung Quốc.
“Họ nói rằng chúng tôi chỉ được phép quay trở lại sau một năm làm việc đầy đủ. Ở đây thật kinh khủng! Tôi phải sống và làm việc như một nô lệ”, Lưu tiếp tục.
Người đàn ông này cho biết, các công nhân đã cầu cứu Đại sứ quán Trung Quốc; nhưng họ nói rằng vấn đề sử dụng lao động Trung Quốc nằm ngoài phạm vi của họ.
Lao động Trung Quốc ở nước ngoài là nạn nhân của nạn buôn người và lao động cưỡng bức
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ đã không phản hồi các khiếu nại của người lao động.
Các công nhân cũng không thể liên lạc với nhà thầu phụ Trung Quốc AEPC qua điện thoại, tin nhắn web hoặc WeChat.
Cuộc sống của Lưu Cường tương tự như những công nhân Trung Quốc nhập cư khác trong báo cáo của Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc có trụ sở tại New York. Họ phải làm việc ngoài giờ quá mức, bị khấu trừ lương, bị giữ hộ chiếu và không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Báo cáo này chỉ ra rằng, lao động làm việc cho các dự án sáng kiến “Vành đai và con đường” của chính quyền Trung Quốc ở nước ngoài là nạn nhân của buôn người và lao động cưỡng bức.