Mặc dù đã ở tuổi thất tuần nhưng bà Kum vẫn không được thảnh thơi mà phải đi làm kiếm tiền nuôi mẹ già và chăm sóc hai đứa cháu ruột đáng thương bị bố mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng.
- Cha mẹ mất con trai 8 tuổi: “Rất nhiều thứ bạn có thể dành thời gian cho con, bạn sẽ hối tiếc một khi không còn thời gian nữa”
- Sản phụ khóc ngất, mẹ già tay liên tục vỗ vào ngực khi nghe tin người thân mất ở Thủy điện Rào Trăng 3
Ngôi nhà tình thương rộng chừng 10m2 mùa mưa thì dột nát, mùa hè thì nóng hầm hập ở ấp Sóc Triết, thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nơi trú ngụ của bốn mảnh đời, hai cụ già và hai trẻ nhỏ.
Trong nhà chẳng có đồ đạc gì quý giá, chỉ có hai chiếc giường ọp ẹp, cùng chiếc bàn gỗ đã cũ sờn. Gian nhà bếp được dựng tạm bợ để bà Kum (chủ hộ) nấu cơm, làm bánh mỗi ngày.
Lao động chính trong gia đình là… bà Nèang Kum dân tộc Khmer, năm nay gần 70 tuổi. Nhiều năm nay, bà dựa vào mẹt bánh bò thốt nốt để kiếm tiền nuôi mẹ là cụ Nèang Cao, 97 tuổi và hai đứa cháu ruột.
Bà Kum cho biết buổi sáng, bà dậy sớm để hấp mấy xửng bánh bò, làm đến 5 giờ sáng thì đi bán. Buổi sáng bán không hết, đến trưa bà tranh thủ chạy về nấu cơm đút cho mẹ ăn, tắm rửa cho mẹ xong mới yên tâm đi bán tiếp.
Nhưng đó chỉ là những ngày trước đây, khi cụ Cao còn khỏe mạnh. Giờ mẹ già yếu nên bà không dám để mẹ ở nhà một mình. Việc bán bánh đều phó mặc cho cháu gái – Nèang Sô Phia năm nay 13 tuổi.
Cô bé Sô Phia nước da đen đúa, lại có vẻ thiếu tự tin, em chỉ ngồi bên góc chợ bán hàng chứ không dám giao tiếp mời mọc như những người khác. Bán hàng hôm thì ế, hôm đắt hàng, hôm nào bán chạy, lời lãi cũng chỉ được vài chục ngàn.
Nhiều lúc hàng bán ế, bà cùng hai đứa cháu lại phải ăn bánh bò cho qua bữa.
Tâm sự về số phận hai đứa cháu với PV Dân Trí, bà Kum rưng rưng nước mắt cho biết: “Hai đứa cháu này, đứa con gái là cháu ngoại còn thằng kia cháu nội. Nó ở với tôi từ lúc mới lọt lòng, cha mẹ chúng bỏ xứ đi Campuchia sinh sống nhiều năm không về thăm con”.
Ấp Sóc Triết nơi bà Kum ở là ấp nghèo được hưởng chính sách đặc biệt, 2 cháu của bà Kum đều được miễn học phí. Nhưng vì gia đình quá khó khăn, nên đến chi phí cho các cháu đến trường bà cũng không lo nổi.
Ngoài Sô Phia, bà Kum còn có thằng cháu nội. So với người chị thì cậu em Chau Nak (10 tuổi) có phần hoạt bát, nhanh nhẹn hơn. Hàng ngày chị mang bánh ra góc chợ ngồi thì Nak ở nhà dọn dẹp, đỡ đần việc nhà giúp bà.
Bà Kum kể “Nhiều lúc thằng Chau Nak ngồi trong lòng rồi hỏi tôi. Sao con không được đi học vậy bà? Những khi ấy tôi chỉ biết thở dài. Nó học đến lớp 1 rồi nghỉ như chị nó, chữ nghĩa chưa rành rẽ nhưng nó rất thích viết tên của mình. Nó viết được chữ nào rồi chạy đi khoe với tôi… Dù nó đi học không tốn tiền nhưng bao nhiêu chi phí sách vở, chi tiêu hằng ngày tôi biết lo liệu làm sao”.
Bà Kum dù tuổi đã gần 70 nhưng vẫn phải lo chi phí sinh hoạt cho 4 miệng ăn. Khó khăn nhất là lúc mẹ già đổ bệnh, bà phải chạy vạy khắp nơi vay tiền mua thuốc cho mẹ. Bà con xung quanh biết hoàn cảnh của bà, nhưng do cuộc sống khó khăn nên những người hàng xóm cũng chỉ lui tới động viên thăm hỏi là chính. Thỉnh thoảng gia đình bà cũng được các đoàn từ thiện đến thăm hỏi, hỗ trợ.
Bà Kum từng nhiều lần được xuất hiện trên mặt báo và các phóng sự truyền hình ngắn. Câu chuyện về cụ bà 70 tuổi vẫn ngày ngày chăm sóc mẹ già và nuôi nấng các cháu nhỏ khiến nhiều người xúc động.
Mời quý vị xem phóng sự ngắn về bà Kum do đài Truyền hình Cần Thơ thực hiện: