Site icon MUC News

Cuộc chiến 12 ngày: Một phần trong xung đột Mỹ – Trung

Cuộc chiến 12 ngày đã diễn ra theo cách thức chưa từng có trong lịch sử chiến tranh

Khi Mỹ tấn công vào ba cơ sở hạt nhân của Iran, mục tiêu không chỉ là Tehran, mà là toàn bộ hệ thống gây rối tại Trung Đông – vốn được Trung Quốc âm thầm chống lưng suốt nhiều năm qua.

Trung Đông – Mặt trận phụ của cuộc chiến Mỹ – Trung

Trung Đông không còn là chiến trường trung tâm của chiến lược Mỹ như thời Chiến tranh Lạnh hay thập niên đầu thế kỷ 21. Giờ đây, nó trở thành một mặt trận phụ – nhưng không thể bỏ qua – trong cuộc cạnh tranh toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc đã âm thầm hậu thuẫn Iran và các lực lượng ủy nhiệm như Hamas, Hezbollah, Houthi… với mục tiêu tạo ra các điểm nóng khu vực, phân tán sự tập trung chiến lược của Mỹ khỏi Đông Bắc Á, nơi Bắc Kinh đang bị bao vây bởi liên minh AUKUS, Quad và mạng lưới phòng thủ Mỹ tại Nhật – Hàn – Đài – Philipppines.

Chiến lược này đã phần nào phát huy hiệu quả trong nhiều năm, khiến Mỹ liên tục bị hút vào vòng xoáy bất ổn ở Trung Đông. Nhưng giờ đây, chính quyền Trump đã quyết định giải quyết dứt điểm “tác nhân gây rối” Iran và vấn đề hạt nhân, nhằm thu dọn mặt trận phụ để toàn lực quay sang bao vây Trung Quốc.

“Bộ tứ chống Mỹ”: Gắn kết lỏng lẻo – Ngồi im khi đồng minh bị tấn công

Trong khi Iran phải một mình đối diện với đòn tấn công phối nặng nề từ Mỹ và Israel, các “đồng minh chiến lược” là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều im lặng hoặc phản ứng rất yếu ớt.

Liên minh ngầm này – đôi khi được mô tả là “bộ tứ chống Mỹ” – thực chất chỉ tồn tại khi chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Họ có thể tập trận chung, tuyên bố rầm rộ, ra thông cáo cứng rắn – nhưng khi một thành viên bị đánh, lập tức mỗi bên lại co cụm, cân nhắc lợi ích và không ai dám đánh đổi để can thiệp thực chất.

Điều này trái ngược hoàn toàn với phương Tây, nơi các cam kết với đồng minh thường được ràng buộc bằng uy tín quốc gia và điều ước pháp lý (như Điều 5 của NATO). Đó cũng là lý do vì sao Nga và Trung Quốc đã không thể – hoặc không dám – hỗ trợ Iran trong thực chiến, dù có nhiều hiệp ước hợp tác trên giấy.

“Búa Đêm” – Đòn răn đe ngắn hạn, cảnh báo dài hạn

Chiến dịch “Búa Đêm” do Mỹ thực hiện đã phá hủy ba cơ sở hạt nhân then chốt của Iran – trong đó có Natanz và Fordow, hai trung tâm làm giàu uranium được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là một trong những lần hiếm hoi kể từ năm 1979 mà lãnh thổ Iran bị tấn công trực diện với quy mô chiến thuật lớn đến vậy.

TT Trump trong phòng Tình huống chỉ huy chiến dịch “Búa đêm” (Ảnh: X/WhiteHouse)

Khác với các cuộc không kích nhỏ lẻ hay chiến tranh ủy nhiệm trong quá khứ, “Búa Đêm” thể hiện thế trận đánh phủ đầu chính quy, mang dấu ấn của phản ứng giới hạn nhưng tối ưu, đúng với phong cách của ông Trump: “không cho kẻ thù vượt lằn ranh đỏ, nhưng không sa lầy.”

Công nghệ tấn công của Israel cũng gây choáng ngợp. Theo các nguồn tin quốc phòng, với dữ liệu tình báo từ vệ tinh, mạng lưới gián điệp và AI định vị, tên lửa Israel có thể nhắm chính xác vào cả phòng ngủ riêng của các chỉ huy cấp cao trong hệ thống giáo quyền Iran. Sự chính xác ấy không chỉ gây tổn thất vật lý mà còn khiến bộ máy Tehran sụp đổ tâm lý, mất cảm giác kiểm soát an ninh nội địa.

Tổng thống Trump: Ra tay nhanh, kết thúc gọn

Một điểm đặc biệt của cuộc chiến 12 ngày là cách nó bắt đầu và kết thúc – đều nằm trong tay của một người: tổng thống Trump.

Đúng ngày thứ 61 (tức 13 tháng 6) sau thời hạn cho ngoại giao, Israel đã được bật đèn xanh tấn công phủ đầu Iran. Đến ngày 22 tháng 6, Mỹ bất ngờ và bí mật không kích bằng tên lửa tomahawk và bom xuyên phá boongke GBU – 57, điều mà Israel không làm được.

Chỉ vài giờ sau khi các máy bay B-2 phá hủy các căn cứ của Iran và đang trên đường trở về căn cứ, tổng thống Trump đã tuyên bố nếu Iran trả đũa Mỹ, họ sẽ phải gánh chịu đòn tấn công còn lớn hơn gấp nhiều lần. Đây là lời cảnh cáo được phát ra ngay khi chiến dịch còn đang diễn ra, thể hiện một cấp độ kiểm soát và điều phối hiếm thấy.

Khi Iran buộc phải phản ứng để giữ thể diện nhưng chỉ bắn trả “có báo trước”, Trump không những không leo thang mà còn gửi thông điệp “cảm ơn” Tehran.

Đỉnh điểm là khi tổng thống Trump kết thúc cuộc chiến. Với Iran là thông qua trung gian Qatar, với Israel là trực tiếp gọi điện yêu cầu Thủ tướng Netanyahu ngừng bắn. Một cuộc chiến căng thẳng, tưởng chừng sắp lan rộng, đã kết thúc trong vòng điều phối đầy kịch tính của tổng thống Trump.

Trung Đông bước sang giai đoạn mới: Iran suy yếu, đồng minh Mỹ gia tăng

Cuộc chiến này không chỉ phá hủy cơ sở hạt nhân của Iran, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng cơ sở chiến tranh và tinh thần của cả hệ thống lực lượng ủy nhiệm do Tehran hậu thuẫn. Từ Hamas, Hezbollah, đến Houthi – tất cả đều bị tổn thất nặng, mất niềm tin vào nguồn tiếp tế Iran và không còn được xem là mối đe dọa như trước.

Đặc biệt, các quốc gia từng do dự hoặc đứng giữa đã bắt đầu ngả hẳn về phía Mỹ, bao gồm cả Syria – vốn trước đây lệ thuộc nhiều vào Iran và Nga. Trục đối kháng trong khu vực đang chuyển thành một hệ thống ổn định hơn, trong đó đa số các quốc gia chọn phát triển kinh tế, duy trì hòa bình và thắt chặt quan hệ với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, những tuyên bố còn lại của Iran – dù có thể gây ồn ào – chỉ còn mang tính giữ thể diện và giải tỏa tâm lý. Về thực chất, Trung Đông đã bước sang một kỷ nguyên mới: ổn định hơn, thực dụng hơn và tập trung phát triển – với trật tự địa chính trị ngày càng nghiêng về phía Mỹ.

Kết luận: Trung Đông đã sang trang – Và là bàn đạp cho chiến lược bao vây Trung Quốc

Cuộc chiến 12 ngày là một đòn đánh vào Iran, nhưng là cú chốt cho chiến lược lớn hơn với Trung Quốc. Trung Đông không còn là “vũng lầy” kéo Mỹ ra khỏi mặt trận chính, mà trở thành một vùng đệm đã được ổn định, cho phép Washington dồn toàn lực về Đông Bắc Á – nơi đối đầu chiến lược với Bắc Kinh đang đến gần hồi quyết định.

Với cách đánh bất ngờ, chính xác và có phối hợp hiệu quả, Mỹ và Israel không chỉ phá tan các cơ sở vật chất, mà còn làm lung lay tận gốc hệ thống quyền lực và tâm lý chiến đấu của Iran. Đây là một ví dụ điển hình về cách một siêu cường có thể ra đòn giới hạn – nhưng mang hậu quả lâu dài.