Một cựu quan chức ngoại giao Canada cho rằng nước này cần cứng rắn hơn nhiều trong các giao dịch với Trung Quốc.

Ông Guy St-Jacques, đặc phái viên Canada tại Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2016, cho rằng Canada nên cứng rắn hơn nhiều trong chính sách với Trung Quốc, theo ET.

Tại hội nghị một hội nghị về Trung Quốc tại Đại học Ottawa (Canada) hôm 3/6, ông Guy nói: “Đã đến lúc chính phủ (Canada) phải có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Đó là ngôn ngữ duy nhất mà Trung Quốc tôn trọng”.

Ông cũng kêu gọi “các nền dân chủ cùng chí hướng” cần phối hợp để chống lại mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

“Trung Quốc cảm thấy táo bạo với kiểu ngoại giao chiến binh sói của họ, cảm thấy rằng họ đang giành chiến thắng hôm nay”, ông Guy nói .

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Behance.net).
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Behance.net).

“Cách áp dụng của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế cứ như thể lựa chọn thực đơn – chúng tôi chọn một số thứ này, chúng tôi không áp dụng những thứ khác.”

Ông Guy cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất khó kinh doanh ở Trung Quốc. “Nước này đã không thực hiện tất cả những gì mà họ đã hứa khi gia nhập WTO [Tổ chức Thương mại Thế giới] vào năm 2001. Họ tiếp tục ưu ái các công ty [của chính mình], đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Thêm vào đó, họ sử dụng thương mại như một loại vũ khí”, ông Guy nói.

Ông trích dẫn một bài báo của Viện Chính sách Chiến lược Australia, trong đó phát hiện ra rằng ĐCSTQ đã sử dụng chiến thuật ngoại giao cưỡng bức 152 lần chống lại 27 quốc gia và Liên minh châu Âu từ năm 2010 đến năm 2020.

“Những hành động này, theo quan điểm của tôi, cho thấy một đất nước Trung Quốc không an toàn như thế nào”, cựu đại sứ cho biết.

Vụ Mạnh Vãn Châu làm thức tỉnh người Canada

Ông cho biết, trước khi xảy ra vụ Mạnh Vãn Châu, nhiều người trong chính phủ Canada đã không nhìn nhận ĐCSTQ là “kẻ bắt nạt hung hăng đe dọa giá trị của chúng tôi”.

Năm 2018, Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei, tại sân bay quốc tế Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Bà bị buộc tội gian lận và âm mưu lừa đảo liên quan đến việc Huawei vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.

Vài ngày sau, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ 2 công dân Canada, doanh nhân Michael Spavor và cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig, như một động thái trả đũa Ottawa. Tháng 5 năm 2019, chính quyền Trung Quốc chính thức buộc tội hai người Canada phạm tội làm gián điệp. Sau đó, Canada đã thả tự do cho bà Mạnh và Trung Quốc cũng đã trả tự do cho hai ông Michael.

Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Huawei phát biểu sau khi được tự do vào tháng 9/2021 (ảnh chụp màn hình video từ Reuters). Huawei đã chi rất nhiều tiền cho một nhà vận động hành lang nhằm lấy lòng chính quyền Joe Biden.
Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Huawei phát biểu sau khi được tự do vào tháng 9/2021 (ảnh chụp màn hình video từ Reuters). Huawei đã chi rất nhiều tiền cho một nhà vận động hành lang nhằm lấy lòng chính quyền Joe Biden.

Vụ Mạnh Vãn Châu đã khiến người Canada thức tỉnh và phải xem lại chính sách đối ngoại của mình, theo cựu đại sứ Guy.

“Chính sách đối ngoại của Canada đã bị bỏ quên trong 15 năm qua, và kết quả là Canada không còn được coi là một bên có ảnh hưởng hoặc hữu ích nữa”, ông Guy nói.

Cựu đại sứ nói rằng trong tương lai, “khi lòng tin đã bị phá vỡ,” các chiến lược của Canada với Trung Quốc “phải dựa trên việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị và lợi ích quốc gia của chúng ta, cũng như có đi có lại và minh bạch.”

Ông nói: “Không nên khoan nhượng đối với các hoạt động can thiệp và gián điệp ở Canada”. Ông cũng lưu ý rằng Canada nêdn xem xét các luật chống can thiệp từ nước ngoài được Australia thông qua để ngăn chặn sự can thiệp của Trung Quốc.

Từ Khóa: