Site icon MUC News

Đảo Rắn: Cuộc chiến thu nhỏ giữa Nga – Ukraine, vì sao?

Đảo Rắn: Cuộc chiến thu nhỏ giữa Nga - Ukraine, vì sao?

Có một hòn đảo chỉ rộng chừng 0.25 km vuông, chỉ có đá, cỏ dại và không có giá trị rõ ràng về mặt thương mại, nhưng lại mang tính chiến lược đối với cả Nga lẫn Ukraine. Cho dù Severodonetsk đã bị Nga kiểm soát, nhưng cuộc chiến tại Donbass ở miền đông Ukraine vẫn khá khốc liệt. Trong cuộc xung đột này, cả Nga và Ukraine lần lượt đều đặt cược vận mệnh quốc gia của mình. 

Miền đông sắp thất thủ, mục tiêu nào tiếp theo? 

Đến thời điểm hiện tại, Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện sau hơn 120 ngày xung đột quân sự. Thành phố Severodonesk đã thất thủ và Nga đã tiến rất gần mục tiêu kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk ở miền đông Ukraine. Thành phố lớn cuối cùng ở Lugansk nằm bên kia sông Donets, khả năng trong vài ngày tới sẽ là mục tiêu tiếp theo của Nga.  

Mặc dù Ukraine vẫn đang chống trả lực lượng Nga ở khu vực phía đông, nhưng có thể nhận thấy rõ rằng tình hình trên toàn chiến trường Ukraine đang theo chiều hướng có lợi cho Nga. Về cơ bản, có thể coi quân đội Nga đã thắng trận. Và trận Donbass chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Dù vậy, Ukraine vẫn chưa có kế hoạch đàm phán với Nga. Đối với mọi cuộc chiến thông thường khi bị tổn thất nặng nề, Ukraine là bên nên chủ động đề xuất đàm phán hòa bình. Phương án tốt nhất để tránh tổn thất thêm sinh mạng là giải quyết xung đột thông qua thương lượng và đối thoại để giảm thiểu thiệt hại cho chính mình, nhưng chính phủ Kiev dường như không có ý định làm vậy. 

Có một thực tế là Nga đang chiếm lợi thế nhưng muốn đàm phán để giải quyết xung đột, trong khi Ukraine đang gặp bất lợi nhưng từ chối đàm phán. 

Vậy chính quyền Kiev đang suy tính điều gì? Việc thành phố chiến lược Severodonetsk thất thủ được coi là một chiến thắng quan trọng đối với Nga, song vẫn không có ý nghĩa quyết định cục diện chiến trường. Việc Ukraine mất thành trì chiến lược Mariupol, vốn là vị trí trọng yếu của khu vực Donetsk mới tổn thất lớn hơn nhiều, vì thành phố này có cảng biển Mariupol quan trọng và sở hữu hai nhà máy thép khổng lồ.  

Giờ đây, có một vị trí chiến lược không chỉ đang được Nga quyết tâm giữ quyền kiểm soát bằng được, mà ngay cả Ukraine, Mỹ, và NATO cũng quyết tâm giành lại bằng mọi giá. 

Đảo Rắn: Mục tiêu chiến lược 

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Cùng đêm hôm đó, cả thế giới đổ dồn mọi chú ý vào thủ đô Kiev khi lực lượng Nga vượt qua biên giới phía tây và phía bắc của Ukraine. 

Tuy nhiên không ai chú ý đến một hòn đảo xa xôi có tên là Đảo Rắn, nằm ở phía nam của Biển Đen, cách Odessa khoảng 140 km. Ngay trong đêm 24/2 ấy, Hải quân Nga đã tấn công và bắt giữ toàn bộ lực lượng đồn trú của Ukraine trên hòn đảo này. 

Tuy nhiên gần 4 tháng sau, vào lúc 5h sáng ngày 20/6, Ukraine đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát đảo Rắn. Cuộc tấn công của Ukraine có quy mô khá lớn với tên lửa, pháo binh và máy bay không người lái (UAV) dồn dập nã vào đảo Rắn. (Newsweek)

Nhưng mọi nỗ lực tấn công của Ukraine đã bất thành, khiến Tổng thống Zelensky phải từ bỏ kế hoạch đổ quân lên hòn đảo này. Đây là lần thứ hai Ukraine nỗ lực giành lại quyền kiểm soát đảo Rắn kể từ khi chiến sự nổ ra.

Ngày 26/6, lực lượng Nga tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ” và rút khỏi đảo Rắn như “cử chỉ thiện chí” để Ukraine xuất khẩu nông sản. Trong khi đó, Ukraine khẳng định Nga rút quân sau đợt tấn công của lực lượng vũ trang nước này.

Vì sao một hòn đảo nhỏ bé rộng chưa đầy 1/4 cây số vuông, lại trở nên quan trọng đến như vậy với cả hai bên?

Đơn giản là, việc kiểm soát Đảo Rắn có tầm quan trọng chiến lược cả về mặt địa lý lẫn vấn đề về mặt tâm lý chiến.  

Vị trí trọng yếu với các bên 

Nằm gần bờ biển phía nam của Odessa, cách thành phố cảng Odessa 35km, Đảo Rắn là bàn đạp cần thiết cho các hoạt động tương lai ​​của Nga. Vì vậy, Nga đã tăng cường lực lượng trên hòn đảo này, và không dễ gì nhả ra, bất chấp mối đe dọa từ hỏa tiễn của Ukraina. Cũng ở gần đảo này, soái hạm Moskva đã bị một hỏa tiễn Ukraina đánh chìm, và đây là một tổn thất nặng nề nhất đối với hải quân Nga kể từ Chiến tranh Lạnh. 

Phía Ukraine cũng vậy, chính quyền Kiev đã nhiều lần mở các cuộc tấn công lên đảo Rắn mà trước đó là vào rạng sáng ngày 8/5, khiến 50 lính đặc nhiệm Ukraine đã thiệt mạng dưới hỏa lực của Nga. (rt)  

Việc Ukraine quyết tâm bằng mọi giá giành lại quyền kiểm soát Đảo Rắn, bất chấp tổn thất sinh mạng, cho thấy hòn đảo này đã trở nên quan trọng đối với chính quyền Kiev như thế nào. 

Nếu quân đội Ukraine giành lại quyền kiểm soát, không chỉ giúp nước này thiết lập một khu vực an toàn trên không và trên biển gần Odessa, mà còn có thể được  NATO sử dụng để vận chuyển các thiết bị quân sự bằng đường biển. Mặc dù Đảo Rắn có diện tích cực kỳ nhỏ bé, nhưng vai trò của nó trong việc kiểm soát các tuyến đường biển ở phía tây Biển Đen là không có gì phải bàn cãi.

Nếu Nga thiết lập hệ thống phòng không tầm xa trên đảo Rắn, họ sẽ kiểm soát toàn bộ vùng biển, đất liền và trên không ở phía tây bắc Biển Đen và phía nam Ukraine. Điều này cũng tạo cơ hội cho lực lượng Nga tiến vào Transnistria, vùng lãnh thổ ly khai của Moldova hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Transnistria nằm sát cạnh Ukraine và cách không xa Odessa.

Ảnh chụp màn hình từ Wikipidia

Đảo Rắn cũng chỉ cách bờ biển của Romania 45 km, và nước này vốn là thành viên của NATO. Hiện NATO đã triển khai một lực lượng trên bộ ước tính lên đến 4.000 quân, với sự điều động quân từ Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ba Lan…

Đảo Rắn là nơi phân định biên giới giữa Romania với Ukraine, bởi nằm ngay cạnh cửa sông Danube, một trong những con sông lớn nhất châu Âu và là cửa ngõ giao thương huyết mạch của châu lục. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, ai kiểm soát được đảo Rắn thì có thể nắm quyền kiểm soát giao thông vào Đông Nam châu Âu. Hòn đảo này cũng rất gần Cảng Constanta của Romania, và từ hòn đảo này người ta có thể bắn hỏa tiễn vào Odessa, thậm chí sang Rumani. 

Ảnh chụp màn hình

Rõ ràng, Mỹ và Anh đã đứng đằng sau các cuộc tấn công của Ukraine trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Đảo Rắn, cho thấy NATO đã đánh giá hòn đảo này có vị thế cực kỳ quan trọng. Bất kỳ hoạt động triển khai hệ thống tên lửa S-400 nào của Nga trên Đảo Rắn, tất nhiên sẽ gây nguy hiểm cho sườn phía nam của NATO. 

Có thể nói Đảo Rắn là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến Ukraine. Nga không thể kết thúc chiến sự ngay cả khi giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass. Chính quyền Tổng thống Zelensky không có ý định nhượng bộ để đổi lấy hòa bình. Ukraine đang cực kỳ nghiêm túc chuẩn bị cho một cuộc phản công ở Đảo Rắn, một khi vũ khí hạng nặng của Mỹ đến tay nước này. 

Làm thế nào Ukraine có thể giành lại Đảo Rắn? Câu trả lời là: Hai hệ thống vũ khí của Mỹ chính là tên lửa chống hạm Harpoon và Hệ thống tên lửa pháo phản lực HIMARS. Trong khi tên lửa Harpoon có phạm vi hoạt động từ 150 km trở lên, có thể giúp Ukraine cắt đứt đường tiếp tế trên biển của Nga tới Đảo Rắn, thì HIMARS có thể phóng tên lửa M30 ở khoảng cách hơn 70 km, quá đủ để vươn tới hòn đảo này. 

Mặc dù Hạm đội Biển Đen của Nga vẫn đang kiểm soát khu vực và Nga đã điều các hệ thống phòng không Pantsir và Tor đến Đảo Rắn, nhưng tình thế hoàn toàn có thể thay đổi. 

Ngày 26/6, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine – tướng Valeriy Zaluzhniy xác nhận đã triển khai pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp vào thực chiến. 

Rõ ràng, việc miền đông Ukraine sắp rơi vào tay Nga, với sự thất thủ của thành phố Severodonetsk, và sắp tới là Lysychansk đã khiến Mỹ và NATO ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn hơn ở miền nam Ukraine, mà tâm điểm là Odessa. Và cuộc chiến tại Đảo Rắn đã phản ánh kế hoạch đó. 

Chắc chắn một cuộc chiến dài hơi giữa Nga và Ukraine vẫn sẽ được tiếp tục theo ý muốn của Khối liên minh quân sự này. Rõ ràng không giống như miền đông Ukraine, miền nam nước này hiện giờ là ưu tiên số 1 của NATO. 

Con đường để tránh đổ máu, chấm dứt xung đột có lẽ là một viễn cảnh khá mờ mịt ở Ukraine. Và cả Nga và Ukraine hiện cùng đặt cược cho vận mệnh quốc gia vào ván cờ này như thế nào? Mời độc giả xem tiếp tại trang 2.

Vận mệnh sống còn của cả Nga lẫn Ukraine

UKRAINE đặt cược số phận quốc gia trong cuộc xung đột đẫm máu này ở một số lý do như sau:

  1. Ukraine tin rằng, với sự giúp đỡ của Mỹ và NATO, nước này có thể đánh bại Nga. 

Đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mặc dù lực lượng Nga đã giành được rất nhiều lợi thế trong trận Mariupol và tại khu vực Donbass, nhưng Nga cũng chịu thương vong không hề nhỏ.

Và liệu nền kinh tế Nga có đủ khả năng chi trả dài hơi cho các chi phí tiêu hao quân sự khổng lồ, một khi xung đột kéo dài hay không là một vấn đề mà Ukraine đang toan tính. 

  1. Ukraine đặt cược Mỹ và NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự

Tính đến nay, Mỹ và NATO đã cung cấp cho Ukraine ít nhất hàng chục tỷ USD vũ khí, trang thiết bị và các hình thức hỗ trợ quân sự khác, cùng một lượng lớn khí tài quân sự sẽ được gửi tới trong thời gian tới. 

Nếu Ukraine liên tục thất bại trên chiến trường, mà Severodonetsk vừa thất thủ là một ví dụ hiện thực, thì nó sẽ khiến Mỹ và NATO có thể sẽ phải toan tính lại để cân bằng lực lượng hai bên. 

Một khi sức chiến đấu của Ukraine ngày càng suy yếu, điều đó không chỉ đồng nghĩa Ukraine có thể mất vai trò biểu tượng là quốc gia “tuyến đầu” chống lại Nga, mà mọi sự đầu tư tiền bạc của Mỹ và NATO sẽ bị mất sạch. 

Để ngăn chặn điều này xảy ra, Mỹ và NATO vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Thậm chí có thể không loại trừ khả năng Mỹ và NATO quyết định đối đầu trực tiếp với Nga một khi Ukraine thất bại hoàn toàn. Điểm nóng tại Syria và Kaliningrad hiện là “phép thử” để Mỹ và NATO buộc Nga phải đưa phản ứng. 

Lính Ukraine bắn lựu pháo M777 vào chiến tuyến Donetsk, miền đông đất nước (ảnh chụp màn hình EPA-EPE).

Về phía NGA, cuộc xung đột này cũng là một cuộc chiến cho vận mệnh quốc gia của họ. Rốt cuộc, Moscow đã bị dồn vào chân tường khi Mỹ và NATO mở rộng liên minh áp sát biên giới nước Nga, và đẩy hai dân tộc anh em Nga – Ukraine buộc phải cầm súng thôn tính lẫn nhau. 

Vậy Tổng thống Vladimir Putin đang đánh cược vận mệnh nước Nga dựa trên điều gì? 

  1. Quân đội Nga có thể hoàn thành mục tiêu chiến thuật theo kế hoạch đã định trước. 

Trong giai đoạn 2 của cuộc chiến, quân đội Nga cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu chiến thuật đã định trước, và giành được thắng lợi lần lượt ở Mariupol và khu vực Donbass. 

Điều này giúp Nga thực hiện giai đoạn 3, với ba mục tiêu chính là kiểm soát khu vực phía Đông và phía Nam của Ukraine cũng như các cơ sở công nghiệp và đường tiếp cận biển của Ukraine. 

Nếu quân đội Nga có thể hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 3 thì việc Ukraine có ngồi vào bàn đàm phán hay không cũng không quan trọng nữa. Khi ấy, Nga đã đạt được mục tiêu Phi quân sự hóa, phi phát xít hóa của mình và Ukraine không có khả năng thay đổi tình thế.  

  1. Nga đặt cược Mỹ và NATO sẽ từ bỏ viện trợ quân sự cho Ukraine.

Như đã đề cập trước đó, Ukraine có ý định đánh bại Nga thông qua việc Mỹ và EU liên tục viện trợ quân sự. Nhưng cũng có một yếu tố cần tính đến là, Mỹ và NATO không thể cứ mãi đổ hàng tỷ đô la khi không nhìn thấy khả năng Ukraine giành chiến thắng trước lực lượng Nga. 

 Điều quan trọng nhất là Mỹ và EU không thể hy sinh lợi ích kinh tế của nước mình, khi gánh nặng lạm phát đang đè nặng lên giới lãnh đạo của các nước này. Hơn nữa, Nga vẫn đang sử dụng hiệu quả 2 thứ “vũ khí” lợi hại là Năng lượng và Lương thực để đối phó với các đòn trừng phạt khốc liệt giáng vào họ. Có thể trong tương lai, dưới sự răn đe của Nga, Mỹ và NATO sẽ dần dần từ bỏ viện trợ quân sự cho Ukraine và chấp nhận sự thật là Ukraine bại trận.  

  1. Nga hoàn toàn làm chủ thế trận ở Ukraine

Theo diễn biến trên chiến trường, Nga tiếp tục giành lợi thế và tiến tới kiểm soát hoàn toàn Donbass. Tất nhiên, giành quyền kiểm soát miền đông ở Ukraine chỉ là một khía cạnh, quan trọng hơn Nga cũng đã giành được chiến thắng trên mặt trận Năng lượng với Mỹ.  

Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ gần đây đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với năng lượng Nga. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã cấp một giấy phép chung cho phép các giao dịch liên quan đến năng lượng với các ngân hàng Nga bị trừng phạt, bao gồm Ngân hàng Trung ương Nga, Sovcombank, Vnesheconombank và các tổ chức khác cho đến ngày 5/12. 

Các sản phẩm được phép giao dịch bao gồm dầu thô, khí ngưng tụ, dầu chưa xử lý, khí tự nhiên, sản phẩm dầu mỏ. Trong danh mục này cũng bao gồm cả than, gỗ hoặc các sản phẩm nông nghiệp được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, hay uranium dưới mọi hình thức… 

Động thái trên được Mỹ đưa ra trong bối cảnh giá xăng của nước này thiết lập mức cao kỷ lục mọi thời đại vào ngày 13/6, là 5,016 USD/gallon theo dữ liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA). (CNN). 

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga, đóng băng bất kỳ tài sản nào của Moscow “liên quan hệ thống tài chính của Mỹ” và cấm người Mỹ tiến hành kinh doanh với người Nga. 

Nhưng thời điểm này Mỹ lại bắt đầu xem xét việc nới lỏng các hạn chế đối với Nga, và cho phép các công ty Mỹ mua khoáng sản, năng lượng, phân bón và các mặt hàng khác của Nga. 

Điều này cho thấy ở một mức độ nào đó, cuộc chiến kinh tế do Mỹ phát động chống lại Nga đã không đạt được hiệu quả như mong đợi. Và cũng phản ánh diễn biến trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, với việc Mỹ thừa nhận ngầm rằng Ukraine đã thua trong cuộc chiến chống lại gấu Nga.