Theo VnEXpress, thông tin trên được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đưa ra trong cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) chiều ngày 3/9. Việc triển khai dự án thẻ căn cước công dân gắn chíp sẽ bắt đầu từ năm 2021.
Bộ Công an dự kiến các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chíp điện tử đồng bộ để đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp 50 triệu thẻ. Theo Luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi sẽ được cấp thẻ CCCD và phải được đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Báo Pháp Luật dẫn lời Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết kinh phí thực hiện dự án CCCD khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó việc gắn chíp điện tử chiếm phần nhỏ. Ước tính giá thành thẻ căn cước công dân gắn chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/thẻ.
Trước đó, từ năm 2016, Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ CCCD có mã vạch, đến nay thực hiện ở 16 tỉnh, thành với trên 16 triệu thẻ. Ở các tỉnh còn lại công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số. Điều này khiến nhiều bộ, ngành đặt câu hỏi tại sao không cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử ngay từ đầu thay vì mã vạch để tránh lãng phí.
Theo ông Huệ, khi đó Bộ Công an đã nghĩ đến việc làm luôn thẻ CCCD gắn chíp nhưng vướng ngại các yếu tố công nghệ kỹ thuật, giá thành sản xuất thiết bị nên chưa triển khai được.
“Nếu lúc đó sử dụng chíp thì phải mua ở nước ngoài với giá thành cao. Hiện một số doanh nghiệp của Việt Nam đã có thể chủ động sản xuất chíp nên giá thành giảm đi nhiều”, đại diện Bộ Công an nói.