Những điểm yếu của quân đội Trung Quốc gần đây đã bị phơi bày trên một tờ báo nổi tiếng của Nhật Bản. Quân đội Trung Quốc lộ ra những “điểm yếu chí mạng” như tinh thần yếu kém của binh sĩ; khó “chiêu mộ binh lính”; và năng lực tác chiến trong thời gian kéo dài, theo Nikkei Asia.

Nghe audio bài “Nikkei: Những điểm yếu chí mạng của quân đội Trung Quốc”

Trong gần một thập niên, Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động quân sự hóa Biển Đông như: Xây dựng các đảo nhân tạo; triển khai tên lửa, thiết bị radar nhằm ngăn chặn máy bay và tàu quân sự nước ngoài tiếp cận khu vực này. Cuối cùng là triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược có khả năng phóng tên lửa đạn đạo ở biển.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là một loại vũ khí tối tân, được gọi tắt là SLBM. Loại vũ khí này giúp các quốc gia tránh bị rơi vào tình thế bất lợi; vì tàu ngầm có thể di chuyển ở các vùng nước sâu để chiến đấu.

Tinh thần yếu kém của quân đội Trung Quốc

Vậy tại sao quân đội Trung Quốc lại gấp rút xây dựng các căn cứ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB) ở các vùng sa mạc nội địa? Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đã quân sự hóa một số vùng biển ở Biển Đông và triển khai SLBM; nhưng họ không có đủ tự tin có thể bảo vệ khu vực này nếu xảy ra xung đột.

Tháng 1/2018, một tàu ngầm Trung Quốc đã phải “bẽ mặt” khi để lộ khả năng hoạt động kém hiệu quả. Khi nó di chuyển dưới lòng biển tại khu vực tiếp giáp quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư, nó đã bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện. Thủy thủ đoàn lo sợ chiếc tàu của họ có thể bị tấn công nên đã nổi lên trên và giương cờ Trung Quốc đầu hàng.

Qua vụ việc này, giới chức Nhật Bản và Hoa Kỳ tin rằng tinh thần chiến đấu của quân đội Trung Quốc khá thấp kém.

Hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho quân sự và tổ chức các cuộc duyệt binh phô trương thanh thế. Tuy nhiên, xe tăng và tên lửa… chỉ là một phần của sức mạnh quân sự. Tinh thần chiến đấu của quân đội là một yếu tố “vô hình” nhưng rất quan trọng.

Hải quân Trung Quốc đang đóng tàu sân bay. Tuy nhiên, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự đoán hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ không rời quân cảng nếu có xung đột; vì họ lo sợ có thể bị tấn công và đánh chìm.

70% binh lính Trung Quốc là “con một”

Giới chuyên gia tin rằng tinh thần thấp kém của binh lính Trung Quốc là do chính sách một con lâu đời của nước này. Điều này khiến quân đội trở thành “đội quân của những người con một” nhiều nhất thế giới.

Một cựu sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, Kinichi Nishimura đã phân tích cán cân quân sự liên quan đến Trung Quốc. Ông cho biết: “Hơn 70% binh lính Trung Quốc là ‘con một”.

Với quan điểm của Nho gia vốn đã ăn sâu vào nền văn hóa Trung Quốc, thì con cái cần phụng dưỡng và chăm sóc cha mẹ khi về già. Do đó, các bậc cha mẹ tại Trung Quốc không muốn thấy con mình chết sớm hơn họ. Vì vậy, để đảm bảo có đủ quân số, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện tiền lương và lương hưu cho binh lính.

Ngày 1/8, chính quyền Trung Quốc đã ban hành luật bảo vệ địa vị, quyền và lợi ích của quân nhân. Nỗ lực “tuyệt vọng” này nhằm cải thiện tình hình quân sự. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đã không thể “chiêu mộ” được binh lính; đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ sinh đang giảm.

Quân đội Trung Quốc thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng

“Quân đội Trung Quốc đã tăng cường triển khai chiến hạm và máy bay chiến đấu kể từ vài năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ hoạt động của chúng không có độ chính xác cao. Có vẻ như họ không thể đào tạo đủ binh sĩ để bảo dưỡng và sửa chữa”, ông Nishimura nói.

Quân đội Trung Quốc gần đây đã phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo. Số lượng tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc triển khai đã tăng lên vài nghìn tên lửa.

Một trong những học thuyết quân sự của quân đội Trung Quốc là: “Trong trận chiến ban đầu, hãy phóng một số lượng lớn tên lửa và sau đó ngay lập tức rời khỏi chiến tuyến”.

Trong vài năm qua, quân đội Trung Quốc đã gấp rút bổ sung thêm nhiều máy bay chiến đấu, tàu nổi và tàu ngầm. Điều này cho thấy Trung Quốc có ý định tăng số lượng tên lửa mà họ có thể phóng trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Đó được coi là một trong những cách thức mà quân đội Trung Quốc thực hiện nhằm khắc phục điểm yếu về số lượng và tinh thần của binh lính.