Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói đầu tư hàng chục tỷ đồng làm cây xăng, nhưng tỉ suất lợi nhuận không bằng một cửa hàng tạp hóa; và sẽ phá sản nếu giữ mức chiết khấu về 0.

Phía trên là ý kiến của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong buổi gặp đại diện Sở Công Thương TP. HCM, ngày 15/9. Tại đây, nhiều doanh nghiệp kể rằng, họ phải tính đến đường phá sản.

VnExpress dẫn lời một doanh nghiệp có 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở TP. HCM, cho rằng từ lúc dịch Covid-19 đến nay, nguồn cung hàng luôn “chập chờn”, giá bán sỉ cao bằng giá bán lẻ niêm yết nên trừ công vận chuyển, hao hụt, doanh nghiệp bán lẻ đang thua lỗ. Nếu kéo dài tình trạng này, họ có nguy cơ đóng cửa, giải thể doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp khác đề xuất: “Mức chiết khấu dành cho doanh nghiệp bán lẻ tối thiểu phải đạt 1.000-1.500 đồng một lít, chúng tôi mới hòa vốn”.

Theo báo Lao Động, ngày 16/9, trả lời về vấn đề này, một đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ thời điểm tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán mức chiết khấu. Sau đó, Bộ Công Thương nhắc lại vấn đề này “nhiều lần” với Bộ Tài chính nhưng chưa được giải quyết. Vị đại diện Vụ thị trường thừa nhận ‘việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí, duy trì hoạt động kinh doanh’.

Theo Bộ Công Thương, cả nước đang có gần 17.000 cây xăng dầu hoạt động; trong đó riêng hệ thống phân phối của Petrolimex có hơn 5.500 cửa hàng.