Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) hôm 28/5 đã công bố lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ đội tàu cá của Công ty TNHH Đại Liên Ocean Fishing, Trung Quốc. Lý do là công ty này bị cáo buộc đối xử với ngư dân nước ngoài như nô lệ.

Theo The Epoch Times, giới chức Mỹ cho biết họ sẽ thu giữ cá ngừ, cá kiếm và các sản phẩm hải sản khác từ công ty Đại Liên. Hoạt động thu giữ diễn ra ngay lập tức tại tất cả các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ.

Toàn bộ 32 tàu thuộc đội tàu Trung Quốc chịu lệnh cấm

Lệnh cấm được thực thi dựa trên luật liên bang của Mỹ về việc cấm nhập hàng liên quan đến lao động nô lệ hoặc trẻ em. Theo một quan chức CBP, lệnh cấm này cũng được áp dụng đối với các sản phẩm có chứa hải sản, như cá ngừ đóng hộp và thức ăn cho vật nuôi.

Trước đó, CBP từng có động thái tương tự nhắm vào các tàu cá nhân. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên CBP có hành động chống lại toàn bộ một đội tàu đánh cá. Công ty Đại Liên có tổng cộng 32 tàu, theo thông tin từ CBP.

Công ty Đại Liên có lượng hải sản nhập vào Mỹ trị giá 233.000 USD (khoảng 5,4 tỷ đồng) trong năm tài chính vừa qua.

Ngư dân nước ngoài tử vong, chủ tàu Trung Quốc ném xác xuống biển

Theo CBP, một cuộc điều tra cho biết các công nhân trên các đội tàu đánh cá Đại Liên có nhiều người mang quốc tịch Indonesia. Những người này bị “bạo hành về thể xác, bị khấu trừ lương, điều kiện sống và làm việc bị ngược đãi”.

CBP lưu ý rằng cách đối xử của những tàu cá này đáp ứng tất cả 11 chỉ số về lao động cưỡng bức theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chỉ tính riêng năm ngoái đã có 4 ngư dân Indonesia tử vong khi làm việc trên các tàu cá của Công ty đánh cá Đại Liên. Thi thể của ba người bị các chủ tàu Trung Quốc ném xuống biển.

Indonesia và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc điều tra chung về vụ việc này. Các thành viên đoàn thủy thủ cho biết họ được cho ăn rất ít, bị thiếu nước ngọt và bị đánh đập trên các tàu cá Trung Quốc. Những thông tin này đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ Indonesia.

Trong báo cáo nhân quyền năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ghi lại trường hợp của ba ngư dân Indonesia cầu xin sự giúp đỡ. Họ nói rằng họ bị mắc kẹt trong một tàu đánh cá của Trung Quốc, bị ngược đãi và bị ép làm việc 20 giờ mỗi ngày không được trả lương.

Mục đích của lệnh cấm nhắm vào đội tàu Trung Quốc

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết: “Các công ty bóc lột công nhân của họ không có chỗ làm ăn ở Hoa Kỳ”.

Ông nói: “Các sản phẩm từ lao động cưỡng bức không chỉ bóc lột người lao động mà còn làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ và khiến người tiêu dùng phải mua hàng hóa phi đạo đức”.

Ông Troy Miller, quyền ủy viên của CBP, cho biết lệnh cấm này là để “bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương trong khi đảm bảo công bằng cho các nhà sản xuất thủy sản và ngư dân Hoa Kỳ”.

Ông cho biết: Cách đối xử của công ty đánh cá Trung Quốc với công nhân nước ngoài chẳng khác nào “chế độ nô lệ thời hiện đại”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hành động của CBP “giúp ngăn chặn những kẻ vi phạm nhân quyền thu lợi từ lao động cưỡng bức”. Ông cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hồi hơn chục thị thực của các cá nhân đồng lõa với hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và có liên quan đến hoạt động buôn người.

Các lệnh cấm trước đó nhắm vào nạn cưỡng bức lao động ở Trung Quốc

Hoa Kỳ đã đưa ra một số lệnh cấm nhập khẩu do lo ngại tình trạng cưỡng bức lao động của Trung Quốc. Hầu hết các lệnh cấm này nhắm vào khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Tại đây có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ trong các trại tập chung, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018. Họ bị tra tấn và phải chịu các hành vi ngược đãi khác.

Một số nhóm người khác cũng trở thành nạn nhân của hoạt động cưỡng bức lao động ở Trung Quốc. Trong đó có lượng lớn những người tập Pháp Luân Công, môn khí công tốt cho sức khỏe được yêu chuộng tại hơn 100 quốc gia, nhưng bị đàn áp đẫm máu tại Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.

Năm ngoái, The Epoch Times đưa tin về báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có đề cập đến một phụ nữ là học viên Pháp Luân Công người Trung Quốc bị buộc phải làm hoa giả, mỹ phẩm và quần áo.

Trong tuần cuối cùng trước khi hết nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cấm toàn bộ các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương, sau khi có báo cáo cho biết hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng chế thu hoạch bông trong khu vực.

Tân Cương là khu vực sản xuất bông chủ chốt trên thế giới. Lệnh cấm này có thể có tác động lớn đến ngành công nghiệp may mặc toàn cầu, theo The Epoch Times.

Từ Khóa: