Hàng loạt dự án xây dựng đường sắt liên quan đến Trung Quốc tại các nước Đông Nam Á đang bị chậm tiến độ, theo Asia Nikkei. Thực trạng này làm gia tăng gánh nặng cho các nước sở tại và nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Các dự án đường sắt của Thái Lan bị đình trệ và chậm tiến độ

Năm 2017, Thái Lan từng hoan nghênh dự án đường sắt cao tốc 3.000 km của Trung Quốc nhằm kết nối Đông Nam Á.

Nhưng khi dự án này được triển khai tại Thái Lan, tiến độ của nó chậm chạp đến mức ít ai biết được nó nằm ở đâu. Tuyến đường sắt mới nằm cách tuyến đường sắt hiện tại chỉ khoảng 100m. Khuôn viên dự án đã được san lấp mặt bằng, nhưng tới nay vẫn chưa thấy có đường ray nào xuất hiện.

Đó chỉ là một trong nhiều dự án bị đình trệ trong sáng kiến cơ sở hạ tầng “Vành đai con đường” của Trung Quốc.

Tháng 12/2017, Thái Lan khởi công đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt 250 km nối thủ đô Bangkok và Nakhon Ratchasima. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến đường sắt sẽ đi vào hoạt động trong năm 2021. Nhưng đến nay mới chỉ có 3,5 km đường sắt được lắp đặt. Theo thông báo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải Thái Lan, dự án bị đẩy lùi tiến độ đến năm 2026.

Đoạn đường sắt thứ hai (nối Nakhon Ratchasima với biên giới Lào) cũng bị chậm tiến độ. Dự kiến đến năm 2028 nó mới đi vào hoạt động.

Tương tự, dự án xây dựng đường sắt từ thủ đô Thái Lan đến biên giới Malaysia cũng bị đình trệ.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, Phó Cục trưởng – Vụ vận tải đường sắt Bộ giao thông Vận tải Thái Lan, Pichet Kunathamaraks cho biết: “Việc xây dựng đã bị trì hoãn do các kỹ sư Trung Quốc không thể nhập cảnh vì dịch COVID, cũng như sự chậm trễ trong việc thu hồi đất”.

Các quốc gia tại Đông Nam Á “tắt ngóm” hi vọng về đường sắt

Năm 2013, Malaysia và Singapore đồng ý xây dựng tuyến đường sắt dài 350km nối Singapore và Kuala Lumpur. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã “đóng băng” dự án này vào năm 2018. Đến tháng 1/2021, dự án này đã chính thức bị tạm đình chỉ.

Một dự án khác của Malaysia nối thành phố Kota Bharu với Port Klang cũng xảy ra tình trạng chậm trễ. Tính đến cuối tháng 8/2021 tuyến đường sắt này mới hoàn thành chưa đến ¼ công trình. Dự kiến nó sẽ được hoàn tất vào năm 2027, chậm 1 năm so với kế hoạch ban đầu.

Do các dự án phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn Trung Quốc, tình trạng trì hoãn tiến độ tạo thêm gánh nặng nợ nần cho các nước sở tại.

Khi các tuyến đường sắt đi vào hoạt động, Lào sẽ mất khoảng 30 năm vận hành mvới có thể trả xong nợ Trung Quốc. Hơn nữa, lượng thời gian đó là đi kèm với giả định rằng Lào có thể kiếm được đủ tài chính như kế hoạch từ các tuyến đường sắt. Tuy nhiên, Giới quan sát lo ngại rằng Lào có thể không trả được các khoản vay và rơi vào ”bẫy nợ” của Trung Quốc.

Gần đây, nền kinh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai con đường” có nguy cơ bị hạn chế ngân sách. Không rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia được bao lâu.