Cho fluoride vào nước ở Mỹ (Phần 5)
Trong loạt bài này, chúng ta tiếp tục khám phá những phát hiện gây tranh cãi xung quanh việc cho fluoride vào nguồn cung cấp nước công cộng của Hoa Kỳ và trả lời câu hỏi liệu việc cho fluoride vào nước có gây rủi ro hay không và chúng ta nên làm gì.
Phần 2: Khám phá sự khác biệt: Tại sao fluoride tự nhiên và fluoride tổng hợp không được tạo ra như nhau
Phần 3: Fluoride: Là phương pháp thần kỳ chữa sâu răng, là thuốc độc, hay là cả hai?
Phần 4: Fluoride ảnh hưởng lên sức khỏe như thế nào từ góc độ khoa học?
Năm 2006, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia đã thúc đẩy thêm những nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến tác động của việc phơi nhiễm fluoride đối với chức năng nội tiết và sức khỏe bộ não dẫn đến các nghiên cứu gần đây do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tài trợ để khắc phục những vấn đề này .
Năm 2006, khi Ủy ban về Fluoride trong nước uống của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC) tiến hành một đánh giá khoa học về tiêu chuẩn fluoride của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) thì những lo ngại liên quan đến phơi nhiễm fluoride ở các cộng đồng dễ bị mẫn cảm đã phát sinh.
Đánh giá thể hiện mối quan tâm đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sau khi hội đồng xem xét tổng lượng fluoride ước tính mà các em bị phơi nhiễm từ thuốc trừ sâu, thức ăn, không khí, kem đánh răng và nước uống.
Ủy ban về Fluoride trong nước uống của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia cảnh báo rằng “dựa trên trọng lượng cơ thể thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có mức độ phơi nhiễm cao hơn người lớn khoảng 3 đến 4 lần.”
Do những lo ngại sau đó của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia, một số nghiên cứu được tiến hành bằng cách đánh giá chéo do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ để điều tra tác động của phơi nhiễm fluoride trước và sau khi sinh đối với sự phát triển thần kinh.
Một vụ kiện liên bang bắt đầu vào năm 2017 và vẫn đang tiếp diễn, do Mạng lưới Hành động Fluoride (FAN) khởi kiện Cơ quan Bảo vệ Môi trường nhằm loại bỏ fluoride khỏi nước uống công cộng. Sự kiện này đã thu hút mọi người chú ý đến các nghiên cứu về mối liên hệ giữa tình trạng sức khỏe và uống nước chứa fluoride.
Hai nhà khoa học chính trong các nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ là tiến sĩ Howard Hu và tiến sĩ Bruce Lanphear đã làm chứng tại tòa với tư cách là nhân chứng chuyên môn cho Mạng lưới Hành động Fluoride.
Rủi ro khi tiếp xúc với fluoride trong thời gian trước và sau khi sinh
Tiến sĩ Hu và tiến sĩ Lanphear được nhiều người biết đến với các nghiên cứu quan trọng về tác động và độc tính thần kinh của phơi nhiễm chì và cả hai đã làm việc với Cơ quan Bảo vệ Môi trường trong vai trò cố vấn chuyên môn.
Các nghiên cứu của họ kéo dài nhiều năm do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ từ Mexico và Canada cho thấy việc phơi nhiễm fluoride trong giai đoạn đầu đời ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích của trẻ trong các bài kiểm tra khả năng nhận thức.
Nghiên cứu MIREC
Nghiên cứu Bà mẹ-Trẻ sơ sinh về Hóa chất Môi trường (MIREC) là một nghiên cứu kéo dài nhiều năm do Bộ Y tế Canada đứng đầu. “Nghiên cứu được thiết kế để đưa ra thông tin mới về tình trạng phơi nhiễm hóa chất môi trường của người Canada và giải quyết các lỗ hổng dữ liệu của các nhóm dân số dễ bị tổn thương ở Canada, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ mang thai,” theo một trang web của Bộ Y tế Canada cho biết.
Nghiên cứu ban đầu này là cơ sở nền tảng cho các nghiên cứu sau đó vốn xem xét việc phơi nhiễm đa hóa chất. Nhiều nghiên cứu dựa trên MIREC đã xem xét phơi nhiễm fluoride.
Nghiên cứu đoàn hệ (còn gọi là nghiên cứu thuần tập trong đó các mẫu phân tích được lấy từ các nhóm người có cùng đặc điểm, đặc tính) của MIREC về fluoride và chỉ số thông minh (IQ) do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ. Tiến sĩ Lanphear đã tham gia nghiên cứu này hơn 10 năm và là một trong những nhà nghiên cứu chính cho các đánh giá hành vi thần kinh. Ông cũng giám sát các đánh giá phát triển thần kinh.
Nghiên cứu về “Mối liên hệ giữa việc mẹ phơi nhiễm fluoride trong thời kỳ mang thai và chỉ số IQ của con cái ở Canada” đã được xuất bản trên tạp chí Y Khoa JAMA vào năm 2019. Nghiên cứu này đã kiểm tra và so sánh các cặp mẹ con từ 6 thành phố lớn ở Canada giữa các khu vực có và không có fluoride.
Dữ liệu được thu thập trong vòng 5 năm và chỉ số thông minh của trẻ từ 3 đến 4 tuổi được đánh giá bằng Thang đo trí thông minh cấp Mầm non và Tiểu học của Wechsler (The WPPSI-III).
Kết quả phân tích cho thấy:
- Cứ tăng 1 miligam/1 lít (mg/L) nồng độ fluoride trong nước tiểu của mẹ thì IQ ở bé trai giảm 4.49 điểm; điều này không xảy ra ở bé gái.
- Cứ tăng 1 mg lượng fluoride hấp thụ hàng ngày từ đồ uống làm giảm 3.66 điểm IQ ở cả bé gái và bé trai.
- Cứ tăng 1 mg/L nồng độ fluoride trong nước làm giảm 5.29 điểm IQ ở cả bé gái và bé trai.
Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng “có lẽ cần phải giảm lượng fluoride tiêu thụ trong thời kỳ mang thai.”
Nghiên cứu này đã gây ra phản ứng dữ dội, một nhóm các nhà khoa học quốc tế kêu gọi một cuộc thăm dò nghiên cứu do Đại học York và Tạp chí Y Khoa JAMA hậu thuẫn.
Do lo ngại từ việc trẻ sơ sinh uống sữa công thức pha bằng nước có fluoride dẫn đến hấp thụ quá nhiều chất này nên một nghiên cứu thứ hai dựa trên MIRECS đã được công bố vào tháng 01/2020 trên tạp chí Môi trường Quốc tế. Đó là nghiên cứu “Phơi nhiễm fluoride từ sữa công thức cho trẻ sơ sinh và chỉ số IQ của trẻ trong nhóm đoàn hệ sinh (birth cohort) ở Canada” đã xem xét vấn đề fluoride trong sữa công thức.
Nghiên cứu đã xem xét hai tiêu chí. Đầu tiên là điều tra mối liên quan giữa nồng độ fluoride trong nước và khả năng nhận thức của trẻ em Canada được nuôi bằng sữa công thức so với bú mẹ.
Thứ hai là sau khi kiểm soát được việc phơi nhiễm fluoride trong thời kỳ mang thai thì ở thời kỳ hậu sản sẽ kiểm tra những ảnh hưởng của phơi nhiễm fluoride đối với chỉ số IQ của trẻ.
Nghiên cứu cho thấy chỉ số thông minh toàn diện (FSIQ) giảm 4.4 điểm ở trẻ mẫu giáo được nuôi bằng sữa công thức trong sáu tháng đầu đời khi nồng độ fluoride trong nước tăng 0.5 mg/L.
Các nhà nghiên cứu cho biết một lượng 0,5 mg/L là đủ để phân biệt giữa cộng đồng có chất fluoride (0.59 mg/L) và không có chất fluoride (0.13 mg/L).
Các nhà nghiên cứu cũng tuyên bố rằng họ “không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa nồng độ fluoride trong nước với chỉ số thông minh toàn diện ở trẻ bú mẹ hoàn toàn.”
Các phát hiện cũng cho thấy việc phơi nhiễm fluoride trước khi sinh và vào thời thơ ấu ảnh hưởng đến sự phát triển của trí thông minh phi ngôn ngữ ở mức độ lớn hơn so với trí thông minh bằng lời nói.
Theo ước tính, nếu tăng 0.5 mg/L fluoride trong nước thì chỉ số thông minh hiệu suất (PIQ) sẽ giảm ở cả nhóm bú sữa công thức (-9.3 điểm) và nhóm bú sữa mẹ (-6.2 điểm).
Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng lượng fluoride hấp thụ ở trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể vượt quá giới hạn trên cho phép nếu trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa công thức pha với nước máy có fluoride.
Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Cần hạn chế tiếp xúc với fluoride bằng cách sử dụng nước không chứa fluoride hoặc có nhưng với hàm lượng thấp hơn để pha sữa công thức”.
Một trong những nghiên cứu MIREC gần đây nhất là “Phơi nhiễm Fluoride và chứng suy giáp trong một nhóm phụ nữ mang thai ở Canada” xuất bản trên tạp chí Khoa học về Môi trường Tổng thể (Science of the Total Environment) vào tháng 04 do các nhà nghiên cứu của Đại học York thực hiện.
Nghiên cứu phát hiện rằng fluoride ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ suy giáp ở phụ nữ mang thai vốn là nguyên nhân gây rối loạn não và làm giảm khả năng học tập của trẻ em.
Bà Meaghan Hall là trưởng nhóm nghiên cứu đồng thời là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học York ở Toronto cho biết trong một email gửi tới The Epoch Times rằng: “Sự an toàn của việc hấp thụ fluoride trong thai kỳ chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu để giải quyết những khiếm khuyết trong dữ liệu của chúng tôi về tác động tiềm tàng của fluoride đối với phụ nữ mang thai sống ở các thành phố có nguồn nước chứa fluoride đã được tối ưu hóa.”
Bà nói thêm rằng vì chúng ta tiếp xúc với fluoride từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn lớn nhất là nước máy có chứa fluoride do vậy công chúng nên nhận thức được cả lợi ích và rủi ro sức khỏe của chất này.
Một thông cáo báo chí vào tháng 02 của Đại học York cho biết chỉ cần tăng 0.5 mg/L mức fluoride trong nước uống – là mức gần như có thể thấy sự khác biệt giữa cộng đồng sử dụng và không sử dụng fluoride – góp phần làm gia tăng 65% bệnh suy giáp lâm sàng ở phụ nữ mang thai.
Bà Hall cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi về phụ nữ mang thai cho thấy ngay cả khi hấp thụ fluoride ở mức thấp vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.”
Thông cáo cho biết các nghiên cứu đã tiết lộ rằng trẻ được sinh ra từ người mẹ bị suy giáp có xu hướng có chỉ số IQ thấp hơn, đặc biệt là ở các bé trai, so với trẻ được sinh ra từ người mẹ có mức độ tuyến giáp bình thường.
Bà Hall nói: “Chúng tôi phát hiện ra rằng nước uống trong suốt thai kỳ có nồng độ fluoride cao liên quan chặt chẽ đến việc tăng tỷ lệ bị bệnh suy giáp. Điều này rất quan trọng vì nếu không đủ hormone tuyến giáp trong thai kỳ có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi và khả năng học tập sau này của trẻ.”
Nghiên cứu ELEMENT
Năm 1993, tiến sĩ Howard Hu là nhà khoa học được đề cập ở trên cũng là đồng sáng lập dự án Phơi nhiễm Đầu đời với Chất độc Môi trường ở Mexico (ELEMENT) – là một nghiên cứu thuần tập về mang thai và sinh nở do Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ; nghiên cứu cách mà các chất độc trong môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Dự án này đã dành được giải thưởng với sự tham gia của các cộng tác viên đến từ các tổ chức hàng đầu và đã tạo ra hơn 80 ấn phẩm có ảnh hưởng đến các chính sách an toàn sức khỏe môi trường toàn cầu.
Vào năm 2012, nhóm của tiến sĩ Hu đã giành được khoản tài trợ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ RO1 dùng nghiên cứu tác động đến phát triển thần kinh của fluoride khi bị phơi nhiễm trước và sau khi sinh, bao gồm việc xem xét mối liên hệ có thể có giữa việc tiếp xúc với fluoride và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
“Nghiên cứu này được tài trợ với nhận thức rằng nó sẽ đóng góp lớn vào việc đánh giá rủi ro của fluoride và việc đưa ra các quyết sách đối với vấn đề độc tính thần kinh do Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia xác định,” tiến sĩ Hu cho biết trong tuyên bố của mình với tư cách là nhân chứng chuyên gia trong vụ kiện fluoride chống lại Cơ quan Bảo vệ Môi trường vào tháng 05/2020 .
Một nghiên cứu khác vào tháng 09/2017 của họ là “Phơi nhiễm fluoride trước khi sinh và kết quả nhận thức của trẻ em 4 tuổi và từ 6–12 tuổi ở Mexico” được xuất bản trên tạp chí Góc nhìn Sức khỏe Môi trường, cũng cho kết quả tương tự như các nghiên cứu thuần tập của tiến sĩ Lanphear.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng cứ tăng 0.5 mg/L lượng fluoride hấp thụ trong giai đoạn mang thai sẽ liên quan mật thiết đến việc mất 3.15 điểm Chỉ số Nhận thức Chung (GCI) ở trẻ 4 tuổi và giảm 2.5 điểm chỉ số thông minh IQ ở trẻ 6 -12 tuổi.
Tiến sĩ Hu cho biết trong lời chứng nhận của mình rằng: “Đây là những mức giảm đáng kể về trí thông minh có thể sánh với mức độ ảnh hưởng khi phơi nhiễm chì.”
Tiến sĩ Hu cũng lưu ý rằng trái ngược với phơi nhiễm trước khi sinh, họ không tìm thấy mối liên hệ có ý nghĩa thống kê nào thể hiện mối liên hệ giữa chỉ số thông minh IQ và mức fluoride trong nước tiểu ở trẻ em từ 6 đến 12 tuổi, mặc dù có một số dấu hiệu về tác dụng phụ.
Ông nói: “Điều này cho thấy rằng thời điểm tiếp xúc với fluoride là yếu tố quyết định về những ảnh hưởng đến phát triển thần kinh của fluoride và phơi nhiễm xảy ra trước khi sinh sẽ có hại hơn so với phơi nhiễm xảy ra ở độ tuổi đến trường.
Trong nghiên cứu vào tháng 12/2018, “Triệu chứng Phơi nhiễm Fluoride trước khi sinh và Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em từ 6–12 tuổi ở Mexico City” được xuất bản trên tạp chí Môi trường Quốc tế, nhóm nghiên cứu đã điều tra 213 cặp mẹ con, trong đó các trẻ từ 6 đến 12 tuổi được đánh giá có bị chứng ADHD hay không.
Tiến sĩ Hu cho biết trong tuyên bố năm 2020 rằng: “Mức độ ảnh hưởng giữa phơi nhiễm fluoride trước khi sinh và các biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý trong nhóm thuần tập của chúng tôi là đáng kể.”
Nghiên cứu cho thấy rằng lượng fluoride trong nước tiểu của mẹ tăng 0.5 mg/L có liên quan đến điểm cao hơn từ 2.4 đến 2.8 điểm (điểm cao hơn tương đương với biểu hiện kém hơn trên thang đo hành vi ADHD).
Ông cho biết thêm: “Theo ý kiến của tôi, kết quả của các nghiên cứu ELEMENT ủng hộ kết luận rằng fluoride là chất độc thần kinh khi bị phơi nhiễm bên trong được thấy trong các cộng đồng sử dụng nước có fluoride là hợp lý về mặt khoa học.”
Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục
Bất chấp các nghiên cứu của tiến sĩ Hu và tiến sĩ Lanphear thì vẫn còn nhiều tranh luận trong cộng đồng khoa học xung quanh độc tính của fluoride ảnh hưởng như thế nào trong thời kỳ trước và sau khi sinh.
Dự án Infancia y Medio Ambiente (INMA) là một mạng lưới các đoàn hệ (birth cohorts) ở Tây Ban Nha nhằm nghiên cứu vai trò của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong không khí, nước và thực đơn trong thời kỳ mang thai. Dự án này gần đây đã nghiên cứu tác động của fluoride đối với việc phơi nhiễm trước khi sinh.
Nghiên cứu “Phơi nhiễm fluoride trước khi sinh và sự phát triển thần kinh ở trẻ nhỏ từ 1 đến 4 tuổi” được công bố vào tháng 05/2022 trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường, đã kiểm tra 248 cặp mẹ con ở cả khu vực có và không có chất fluoride.
Hàm lượng fluoride cao nhất trong nước uống của cộng đồng mà các bà mẹ mang thai tiếp xúc trong nghiên cứu là trên 0.8 mg/L một chút và mức thấp nhất là dưới 0.10 mg/l.
Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả nghiên cứu của họ có thể ủng hộ quan điểm rằng fluoride có tác động bất lợi khi tiếp xúc từ nước uống cộng đồng ở mức trên 0.8 mg/l như đề xuất trước đây trong các nghiên cứu ELEMENTAL nhưng họ cũng nói rằng fluoride có thể có tác động tích cực nếu tiếp xúc ở mức thấp, mặc dù không chỉ rõ mức thấp đó là gì.
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Mối liên hệ tích cực giữa nồng độ fluoride được điều chỉnh theo mức creatinine trong nước tiểu của người mẹ (MUFcr) và chức năng nhận thức dường như thấy rõ hơn ở những trẻ mà người mẹ trong thời kỳ mang thai sống ở vùng không có chất fluoride.
Họ cho rằng fluoride có thể dẫn đến phản ứng – liều lượng giống như phản ứng của các nguyên tố hóa học khác, là cần thiết cho sự sống; việc xuất hiện một số triệu chứng lạ vẫn nằm trong giới hạn hoặc thấp hơn mức khuyến cáo của các cơ quan như Tổ chức Y tế Thế giới.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “những nghiên cứu sâu hơn nên được thực hiện trước khi loại trừ tác dụng có lợi tiềm tàng của fluoride ở mức thấp trong tự nhiên hoặc FCDW [nước uống cộng đồng có chất fluoride ].”
Hiện tại, CDC cho biết việc sử dụng nước có chất fluoride để pha sữa bột cho trẻ sơ sinh là an toàn nhưng cảnh báo rằng nếu trẻ hoàn toàn chỉ uống sữa bột pha với nước có fluoride thì có thể tăng nguy cơ nhiễm fluoride nhẹ ở răng. Đồng thời khuyên rằng nên sử dụng xen kẽ với nước đóng chai không có bất kỳ chất fluoride nào vốn được dán nhãn là khử ion, tinh khiết, khử khoáng hoặc chưng cất.
Dữ liệu về độc tính của fluoride đối với các nhóm dân số nhạy cảm vẫn còn hạn chế.
Trong một đoạn clip lấy lời khai năm 2020 do Mạng lưới Hành động Fluoride (FAN) cung cấp cho The Epoch Times cho thấy khi được luật sư bên nguyên là Micheal Connett hỏi liệu rằng CDC có bất kỳ dữ liệu nào trong hồ sơ đã ban hành trước đây định rõ giới hạn trên của mức fluoride được hấp thụ có tác dụng gây độc thần kinh ở trẻ em hay không thì Casey Hannan – Giám đốc sức khỏe răng miệng của CDC trả lời rằng: “Là đại diện của CDC, theo hiểu biết của tôi thì chúng tôi không có bất kỳ dữ liệu nào về việc này. ”
Trong bài tiếp theo:
Lượng fluoride được tích lũy trong cơ thể theo thời gian phụ thuộc vào lượng fluoride trong nước uống và từ các nguồn khác như trà, thực phẩm, sản phẩm nha khoa, không khí và dư lượng thuốc trừ sâu. Liều lượng gây ảnh hưởng tiêu cực cũng như phản ứng của cơ thể là khác nhau tùy vào thể trạng mỗi người.