Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu hải quan sớm công khai thông tin kit xét nghiệm của Việt Á là nhập từ Trung Quốc thì “chắc chắn không để các địa phương, CDC phải mua”.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng 14/6, thảo luận về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Hoàng Văn Cường (đại biểu của Hà Nội) nhận định tính chính xác của dự luật này khi nhìn lại các án tham nhũng thời gian qua.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Một câu chuyện được ông Cường dẫn ra (mà giờ nên coi là giả thuyết) rằng, trong vụ kit xét nghiệm Việt Á, nếu thực hiện dân chủ cơ sở, công khai thông tin Nhà nước phải mua của Việt Á với giá như thế và hải quan cũng công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc về bao nhiêu, giá thành ra sao, thì chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua với giá khống cao hơn hẳn mà Việt Á bán.

Hoặc vụ cựu chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước, nếu công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho TP thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm.

“Nếu công khai cho dân biết thì tất cả những vụ này đều có thể được ngăn chặn từ trước”, ông Cường đề xuất cần công khai các nguồn lực công, liên quan tới người dân, trừ những điều thuộc bí mật nhà nước có quy định cấm không được công khai.

Trở lại vụ lừa dối cấp quốc gia: Hàng vỏ nội địa nhưng ruột nhập khẩu

Tổng Cục Hải quan công bố thông tin, từ tháng 9 – 12/2021, Công ty Việt Á nhập 3 triệu test nhanh COVID-19 từ Trung Quốc với tổng trị giá 64,68 tỷ đồng, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21,56 nghìn đồng/test), theo báo Lao Động.

Kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á có đúng là hàng tự sản xuất? (ảnh chụp màn hình báo Lao Động)

Tuy nhiên Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất xét nghiệm kit xét nghiệm Covid-19.

Thời gian nghiên cứu từ tháng 2/2020 – 10/2021, nhưng ngày 3/3/2020 (chỉ cần 1 tháng ngắn ngủi), Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã thông qua và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR này.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lên tiếng đính chính thông tin “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận”.

Ngày 25/4/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết WHO đã công nhận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. Tuy nhiên, Bộ này đã phải đính chính vào cuối năm 2021.

Như vậy mới lộ ra một đơn vị có thể sản xuất kit xét nghiệm nhưng lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng nội địa nhưng ruột hàng nhập khẩu mang bán giá cao chênh lệch. Ngoài ra, 19 tỷ đồng nghiên cứu nhà nước bỏ ra hoá ra chỉ đổ sông đổ bể.