Giá xăng tăng mạnh liên tiếp kéo theo một vòng luẩn quẩn là doanh nghiệp vận tải, tài xế và hành khách đều gặp khó; Nguy cơ dẫn tới sự khủng hoảng trong chuỗi kết nối vận tải.
Nhà xe “xấu hổ nhưng buộc phải tăng giá vé”
Do chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí vận tải, do đó việc giá xăng tăng liên tiếp khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách buộc phải nâng giá vé.
Theo ông Đỗ Văn Bằng – Giám đốc công ty Sao Việt nói trên báo Tuổi Trẻ, hiện số lượng xe của công ty chỉ hoạt động ở múc 20-30% sản lượng do chịu tác động của dịch Covid-19. Thời gian qua nhà xe này vừa chạy vừa bù lỗ giờ lại thêm tăng giá xăng dầu. “Thực sự, lúc này quá đau đầu”, ông Bằng nói.
Theo Giám đốc hãng xe Sao Việt, hiện hành khách và nhà xe đều trong tình cảnh “khổ sở”, mà phải tăng giá vé thì gần như góp phần “tăng lạm phát” nhưng nhà xe buộc phải làm vậy. Ông Băng than thở: “Khách ít nên nếu tăng giá vé chúng tôi cũng thấy xấu hổ, ngại nhưng không tăng không thể nào chịu nổi…”
Ở đây, chỉ còn cách dừng chạy mới không khỏi đau đầu”, ông Bằng nói.
Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp ông rất khó khăn do lượng khách đi xe ít vì thế phải cắt giảm xe, nhân sự; tuy nhiên nhà xe chưa giám tính đến việc tăng giá vé. Một trong những lý do là sợ mất nốt lượng khách ít ỏi còn lại.
Song, áp lực cao độ khiến nhiều nhà xe tăng giá vé ở tầm mức 10-30% để bù cho chi phí nhiên liệu. Một lãnh đạo bến xe miền Đông (TP. HCM) nói trên Tiền Phong, đến nay đã có 20 nhà xe đề xuất tăng giá vé, tỉ lệ tăng trung bình 26%. Ngoài ra các hãng vận tải hàng hoá Logistics nội địa cũng dùng đến giải pháp tương tự với mắc tăng khoảng 8-10%.
Hiển nhiên việc tăng giá cước vận tải trong giai đoạn này là rất nhạy cảm khi hành khách cũng khốn khổ vì giá xăng dầu. Giám đốc một công ty vận tải Logistics tại TP. HCM thừa nhận “khách hàng của chúng tôi ‘than’ dữ lắm, vì hiện tại giá cước đã rất cao”.
Tài xế xe công nghệ rủ nhau tắt app
Xăng tăng, khiến các tài xế công nghệ lao đao, dù một số hãng gọi xe đã tăng giá cước.
Anh Hưng – tài xe grab bike ở quận Bình Thạnh, TP. HCM nói với Tuổi Trẻ rằng, grab đã tăng giá cước nhưng không “đuổi” được tốc độ tăng của giá xăng. Anh ví dụ có những cuốc xe chạy từ 7-15 km giá cước tăng vài ngàn đồng so với trước đây nhưng thu nhập của tài xê không thay đổi bao nhiêu do tiền xăng ngốn hết, trừ khi chạy vào khung giờ cao điểm. Hơn nữa việc tăng giá cước chỉ áp dụng với quãng đường điểm đặt xe đến nơi khách tới, còn quảng đường di chuyển tìm đến vị trí để chở khách lại không được tính. “Tiền xăng chạy lòng vòng có khi hoàn thành cuốc xe, huề vốn”, anh Hưng nói.
Nếu như Grab đã tăng giá cước nhưng tài xế thấy chưa thoả đáng, thì một số hãng xe công nghệ như Be, Gojek… chưa có động thái tăng khiến nhiều tài xế bất bình. Nhiều tài xế đã buộc phải tắt app vì có chạy cũng như không. Các tài xế của Shopee Food còn tắt app để tập trung phản đối việc chưa tăng cước ship hàng. Một tài xế Shopee Food cho biết anh chạy 30 đơn/ngày, từ 6h sáng đến 10h tối, tổng thu nhập hơn 400.000 đồng. Trừ các khoản phí và xăng xe thì “gần như không có thu nhập”.
Phía khách hàng cũng cảm nhận rõ việc đặt đồ ship khó khăn hơn trước. Chị Phương (TP. Thủ Đức) cho biết, đã 3 lần đặt món ăn trên Grab Food nhưng không tìm được tài xế. Vừa thấy bất tiện lại chịu thêm giá phí ship tăng từ 5-10.000 đồng so với trước nên chị tính sẽ tạm dừng sử dụng loại dịch vụ này để tiết kiệm.