Ông Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) bị cáo buộc nhận hàng trăm nghìn USD và hơn 6,2 tỷ đồng để “tạo điều kiện” cho Phan Thanh Hữu buôn xăng nhập lậu. Hơn nữa, vị này còn cài cắm người thân trực tiếp tham gia đường dây phân phối xăng lậu.
Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn thành cáo trạng, truy tố 14 bị can trong vụ án liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam do bị can Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu.
Trong số này có đến 2 người ở cấp bậc thiếu tướng, nhưng đáng chú ý nhất là cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang, ông Nguyễn Thế Anh vì đã tham gia sớm và sâu nhất trong vụ này.
Báo Tiền Phong đưa tin, từ tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu cấu kết với một số đối tượng vận chuyển xăng lậu sang Campuchia bán kiếm lời đã nhờ Nguyễn Thế Anh giúp đỡ. Lúc này, Nguyễn Thế Anh đang là Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, biệt phái sang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).
Theo thỏa thuận, mỗi tháng Hữu sẽ chi cho Thế Anh số tiền 30.000 USD và 100 triệu đồng. Tổng số tiền từ tháng 10/2019 – 2/2020, Hữu chi cho Thế Anh tổng cộng 150.000 USD và 500 triệu đồng.
Tóm tắt nội dung
Đòi “tăng lương” để chi cho cấp trên
Đến đầu năm 2020, trùm buôn lậu có ý định vận chuyển xăng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa nên Hữu hẹn gặp Nguyễn Thế Anh tại khách sạn REX (trước đây có tên là khách sạn Bến Thành), ở đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.
Nguyễn Thế Anh tiếp tục đồng ý nhưng do phi vụ lần này lớn hơn, phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác nên đã yêu cầu Hữu phải cung cấp tổng số tiền hàng tháng 60.000 USD và 950 triệu đồng. Phan Thanh Hữu chấp nhận chi hối lộ cho Nguyễn Thế Anh từ tháng 3/2020 đến 8/2020, tổng cộng 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng, theo báo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2020, Hữu biết Nguyễn Thế Anh chuyển về làm chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, nên từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, mỗi tháng Hữu chỉ chi cho Nguyễn Thế Anh 10.000 USD.
Cáo trạng nêu, như vậy tổng số tiền Phan Thanh Hữu đã chi để hối lộ cho Nguyễn Thế Anh trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021 là 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng.
Cài cằm người thân được tham gia hưởng lợi
Ngoài nhận tiền hối lộ, Nguyễn Thế Anh đã yêu cầu Phan Thanh Hữu phải bán xăng lậu cho Phạm Thị Hương – vợ bé của mình tham gia đường dây để hưởng lợi.
Báo PLO cho biết, khi “sếp” Thế Anh yêu cầu thì Hữu đã cho đồng phạm Nguyễn Hữu Tứ liên lạc với Hương. Lúc này Hương đã sử dụng xe bồn đến nhận xăng lậu tại kho Nam Phong với số lượng hơn 5,7 triệu lít. Tuy nhiên, Hương nhập lậu hơn 1,7 triệu lít xăng bán, số lượng còn lại gần 4 triệu lít xăng lậu Hương đặt hàng giúp cho Lê Tất Thắng – nhân viên bán hàng của Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) để Thắng bán lại cho nhiều cá nhân khác hưởng lợi số tiền 100 đồng/lít thông qua việc đặt hàng hộ cho Thắng.
Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ ngày 1/3/2020 đến 28/9/2020, Hương đã chuyển khoản và giao tiền mặt cho Tứ và người của Tứ tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng. Quá trình thanh toán tiền mua xăng lậu thì Hương chuyển khoản thanh toán hoặc trả tiền mặt.
Ngoài vợ bé của chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang thì anh rể của cán bộ này là Lê Hùng Phong cũng tham gia đường dây buôn lậu xăng do Hữu và Tứ cầm đầu. Sau khi Thế Anh yêu cầu, Hữu cũng nói Tứ bán xăng lậu cho Phong.
Khoảng giữa năm 2020, Phong và Tứ gặp nhau tại nhà hàng ở quận 1 (TP.HCM) để thỏa thuận về việc mua – bán xăng nhập lậu ở kho Nam Phong. Phía Phong đã sử dụng xe đến nhận xăng lậu tại kho Nam Phong với số lượng 600.000 lít.
Sợ bẩn tay, giao cho em họ đi nhận tiền hối lộ
Theo kết luận của Viện kiểm sát quân sự trung ương, trong toàn bộ các lần nhận tiền hối lộ, Nguyễn Thế Anh không trực tiếp nhận tiền từ Hữu, mà giao cho Nguyễn Văn An (SN 1989, là em con chú ruột) đi nhận.
Cứ ngày 15 hàng tháng, Phan Thanh Hữu chủ động gọi điện cho Nguyễn Văn An hoặc An gọi cho Hữu để hẹn thời gian lấy tiền. Trước khi giao tiền, Hữu đều sắp xếp thành các cọc tiền để trong túi nilông màu đen, buộc gọn để bỏ vừa vào cốp xe môtô của An.
Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2021, Nguyễn Văn An đã 16 lần nhận tiền của Phan Thanh Hữu mang về cho Nguyễn Thế Anh.
Về hành vi tổ chức cho bị can Nguyễn Văn An trốn ra nước ngoài trái phép của bị can Nguyễn Thế Anh, cáo trạng nêu, sau khi Phan Thanh Hữu bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra vào tháng 3/2021, Nguyễn Thế Anh gọi điện thoại cho Nguyễn Văn An tìm cách trốn đi lánh nạn một thời gian.
Cuối tháng 3/2021, Nguyễn Thế Anh đã gọi điện cho bạn là Tạ Phi Sơn (cư trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) liên hệ Đặng Huy Bình (trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tìm việc giúp An.
Đầu tháng 4/2021, An được chở tới cửa khẩu Lao Bảo, do không có hộ chiếu và sợ bị phát hiện nên An không làm thủ tục đi qua cửa khẩu theo đường chính ngạch. An bắt xe ôm ra khu đường rừng, thuê người dẫn đường (hết 10 triệu đồng) để vượt biên trái phép sang Lào làm việc tại lán trại của Bình ở tỉnh Savannakhet. Hơn 1 tháng sau, An bị công an bắt giữ, bàn giao cho Công an Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm: