Dự án sân bay thứ hai ở Hà Nội, tăng lượng khách từ 50 triệu lên 100 triệu hàng năm
Ảnh chụp màn hình từ VnExpress.

Theo Zing, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa có kiến nghị gửi đến các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến việc xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội tại huyện Ứng Hòa.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, việc xây dựng sân bay tại huyện Ứng Hòa phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2020.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu đánh giá việc phát triển, mở rộng các cảng hàng không lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành… phục vụ định hướng phát triển như thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.

Ý kiến này khác với đề xuất của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – Công ty cổ phần (TEDI). Hiện TEDI đề xuất xây sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, vị trí dự kiến là huyện Thanh Miện, Bình Giang, tỉnh Hải Dương (giai đoạn từ nay đến năm 2035).

Theo Thanh Niên, ngoài Ứng Hòa và Thanh Miện, có 2 vị trí khác được xét đến là nơi xây sân bay vùng thứ 2 ở Hà Nội, gồm khu vực tỉnh Hà Nam (huyện Lý Nhân, cách trung tâm Hà Nội 60-65km) và TP. Hải Phòng (huyện Tiên Lãng, cách trung tâm Hà Nội 120km).

Dự án sân bay thứ hai ở Hà Nội, tăng lượng khách từ 50 triệu lên 100 triệu hàng năm
Ảnh chụp màn hình từ Thanh Niên.

Dự án nhiều ưu điểm

Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đánh giá việc bố trí sân bay thứ hai tại phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm.

Khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý, tương tự với sân bay Long Thành về TP. HCM. (Dưới 40-60 phút)

Kết nối giao thông thuận lợi thông qua cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, QL1A hiện có và tiếp giáp đường trục phía Nam (đang thi công), lâu dài sẽ được bổ sung thêm cao tốc Tây Bắc – QL5B (nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 5B), các trục đường chính của TP. Hà Nội (đường Đỗ Xá – Quan Sơn, trục Bắc – Nam, đường Ngọc Hồi – Phú Xuyên).

Có khả năng tiếp cận đồng thời cả đường bộ, đường thủy (cảng Vạn Điểm trên sông Hồng) và đường sắt (tuyến Hà Nội – TP. HCM, lâu dài sẽ kết nối với đường sắt cao tốc Bắc – Nam).

Thuận lợi giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển, có khả năng bố trí được sân bay với diện tích khoảng 1.300 ha (tương tự quy mô sân bay Nội Bài với công suất 50 triệu hành khách/năm), trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, ít khu dân cư.

Tạo động lực phát triển mới cho TP. Hà Nội, đặc biệt là khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Về nhược điểm, Sở này mới nêu 1 vấn đề là khu vực đề xuất làm sân bay có tuyến điện 500 kV Thường Tín đi Nho Quan cắt qua.

Miền Bắc hiện có các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Nà Sản (Sơn La, đóng cửa từ năm 2004). Theo quy hoạch, Nội Bài sẽ tiếp nhận 35 triệu khách vào năm 2030, 50 triệu khách sau năm 2030. Tuy nhiên, lưu lượng hành khách thông qua sân bay Nội Bài đã đạt 29 triệu. Năm 2019, nhà ga có dấu hiệu quá tải, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ bị xuống cấp.

TP.HCM cần 21.000 tỷ đồng để phát triển giao thông đường thủy
Đề xuất dùng depot metro làm bãi đậu xe; Danh tính chủ ôtô đâm gãy chân bé gái rồi bỏ chạy
Hà Nội tính sửa chữa cầu Chương Dương; Tàu chở cát gãy đôi giữa sông, một người chết