Ngày 1/9, khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận một bệnh nhân nam H.V.H (65 tuổi) ở Ứng Hòa, Hà Nội, đau dữ dội ở phía bên phải bụng, theo báo VnExpress.

Người đàn ông tỉnh táo song bụng chướng, đau nhiều ở bên phải, sốt, có dấu hiệu nhiễm trùng. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy dị vật cản quang ở vùng bụng phải, xuyên qua thành ruột, ở vùng bụng bên phải có dịch tự do. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phúc mạc do thủng ruột non.

Bác sĩ Tào Minh Châu, Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết trên báo Lao Động: Ông H đã được phẫu thuật kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng. Kiểm tra ổ bụng người bệnh thấy dị vật que tăm đâm thủng ruột non, một phần nằm trong lòng ruột và một phần ở ổ bụng.

0618-taym-xiya-rayng-xuyeyn-thuyng-ruoyyt-nguyoyyi-yayn-oyng-vnexpress-suyyc-khoye
Ảnh chụp màn hình báo Vnexpress

“Nếu để muộn hơn, không điều trị, dịch tiêu hóa sẽ chảy lan rộng ổ bụng, gây viêm phúc mạc toàn thể và nguy hiểm tính mạng người bệnh”, bác sĩ Châu cho biết.

5 ngày sau mổ, người đàn ông khỏe mạnh, không còn tình trạng nhiễm trùng. Ngày 8/9, ông đã ăn uống bình thường, chuẩn bị được ra viện.

Bác sĩ Tào Minh Châu khuyến cáo, thói quen ngậm tăm sau khi ăn của nhiều người rất nguy hiểm. Mọi người có thể vô tình nuốt chiếc tăm, dị vật đi vào ống tiêu hóa. Tăm tre không bị men tiêu hoá phân hủy nên sẽ di chuyển trong suốt chiều dài của lòng ruột, dễ gây nên nhiều biến chứng, nặng nhất gây thủng ống tiêu hoá và viêm phúc mạc toàn thể, ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại nhiều di chứng.

Người dân nên vứt tăm đi ngay sau khi sử dụng, không ngậm trong miệng, nếu vô tình làm rơi vãi lúc trong nhà có trẻ nhỏ gây nguy hiểm hoặc bất cẩn khi nói chuyện, ngủ sẽ vô tình nuốt phải tăm. Khi không may nuốt phải tăm hay các dị vật khác, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tư vấn can thiệp và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng.