Ngày càng có nhiều quốc gia nghi ngờ chất lượng vắc xin Covid-19 Trung Quốc. Bắc Kinh trả đũa bằng việc gây khó dễ với các nước không chấp nhận vắc xin do Trung Quốc sản xuất.

Mới đây Ý đã gia nhập các quốc gia từ chối tiếp nhận vắc xin Trung Quốc, The Epoch Times đưa tin. Thủ tướng Ý Mario Draghi nói với các phóng viên khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày 22/6: “Vắc xi của Trung Quốc… đã cho thấy bản thân nó không đủ hiệu quả. Các bạn có thể thấy điều đó từ kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh của Chile.”

Hơn một nửa dân số Chile đã được tiêm vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Nhưng tỷ lệ hiệu quả vắc xin là thấp. Tỷ lệ hiệu quả là 16% sau liều đầu tiên và 67% sau liều thứ hai. Hiện Chile là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19.

Vắc xin Trung Quốc không tạo ra đủ kháng thể

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV ngày 24/6, Feng Zijian, nhà nghiên cứu và cựu phó giám đốc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận rằng vắc xin do Trung Quốc sản xuất không tạo ra đủ kháng thể và kém hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta (trước đây được gọi là biến thể Ấn Độ).

Biến thể Delta đã gây ra 85% ca nhiễm trong đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc; mặc dù hàng chục triệu cư dân địa phương đã được tiêm phòng vắc xin nội địa.

Ngày 17/6, hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế ở Indonesia đã bị nhiễm Covid-19 dù đã được tiêm vắc xin Sinovac. Hàng chục người trong số họ đã phải nhập viện. Những điều này gây ra sự nghi ngờ nghiêm trọng về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc; đặc biệt là đối với các biến thể lây nhiễm của virus. Indonesia đã mua và sử dụng vắc xin của Trung Quốc cho một số lượng lớn công dân của mình.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã cung cấp vắc xin Sinopharm cho công chúng vào tháng 12 năm 2020. Nước này cũng đã tiêm liều vắc-xin Sinopharm thứ ba cho người dân kể từ tháng 3, sau khi phát hiện rằng vắc-xin này không tạo ra đủ kháng thể cho một số người nhận.

Bắc Kinh trả đũa các nước không tin vắc xin Trung Quốc

Vắc xin của Trung Quốc chưa được chấp thuận sử dụng ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Các loại vắc xin của Trung Quốc cũng bị loại khỏi chương trình thẻ tiêm chủng kỹ thuật số của EU.

Chính quyền Trung Quốc đã công bố các biện pháp trả đũa; như từ chối nhập cảnh đối với những du khách chưa được tiêm vắc xin Trung Quốc và không công nhận việc tiêm phòng bằng vắc xin không phải của Trung Quốc. Các biện pháp này đã ngăn cản nhiều công dân Hoa kiều trở về nước.

WHO phê duyệt vắc xin Trung Quốc làm dấy lên lo ngại

Mặc dù hiệu quả thấp và dữ liệu thử nghiệm của Trung Quốc là thiếu minh bạch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã phê duyệt cả vắc xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Động thái này của WHO làm dấy lên nghi ngờ về ảnh hưởng của Trung Quốc tại cơ quan chăm sóc sức khỏe mang tính toàn cầu của Liên Hợp Quốc.

Quyết định đó được đưa ra khi ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới nghi ngờ về chất lượng vắc xin Trung Quốc.

Không hiệu quả thì trộn chung với vắc xin phương Tây?

Vào tháng 3, ông Cao Phú (Gao Fu), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói rằng: Những ai đã tiêm 2 liều vắc xin Trung Quốc thì có lẽ nên tiêm thêm liều thứ 3 để tăng hiệu quả của vắc xin.

Vào tháng 4, tại một hội nghị quốc gia của Trung Quốc về vắc xin và sức khỏe, ông Cao thừa nhận rằng vắc xin của Trung Quốc có khả năng bảo vệ thấp. Ông Cao khuyến nghị cải thiện khả năng phòng bệnh bằng cách trộn chung các loại vắc xin khác nhau được sản xuất bằng các công nghệ khác nhau, chẳng hạn như mRNA được sử dụng bởi vắc xin phương Tây.

Trong cùng tháng, UAE bắt đầu tiêm thêm vắc xin Pfizer / BioNTech để tăng cường cho những người đã tiêm vắc xin Trung Quốc.

Đến đầu tháng 6, quốc gia Trung Đông Bahrain đã tiêm phòng đầy đủ cho 47% dân số. Trong số đó, 60% số người được tiêm phòng là dùng vắc xin Sinopharm. Tuy nhiên, số ca mắc của quốc gia này đang ở mức cao kỷ lục. Kể từ cuối tháng 5, các quan chức đã tiêm thêm vắc-xin Pfizer như một mũi tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm đầy đủ Sinopharm.

Các nước tiêm vắc xin Trung Quốc gia tăng số ca nhiễm

Vào đầu tháng 6, một nghiên cứu lâm sàng ở Serbia báo cáo rằng 30% những người từ 65 tuổi trở lên đã không tạo ra kháng thể sau khi tiêm vắc-xin Sinopharm. Serbia là quốc gia châu Âu đầu tiên sử dụng vắc xin của Trung Quốc, mặc dù chúng chưa được Cơ quan Thuốc châu Âu chấp thuận.

Nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á, cộng với Hungary và Serbia ở châu Âu, tất cả đều đang sử dụng vắc-xin Trung Quốc. Những quốc gia này hiện đang chứng kiến ​​tình trạng gia tăng các ca nhiễm Covid-19.

Theo Our World in Data, các quốc gia như Seychelles, Chile, Bahrain và Mông Cổ, có khoảng 50 đến 68% dân số tiêm đầy đủ vắc xin Trung Quốc. Nhưng những quốc gia này đều là nằm trong số 10 quốc gia trải qua tình trạng nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất.