Rừng ở miền Trung – Tây Nguyên bị tàn phá mỗi nơi một kiểu, nhưng tựu chung đều có trách nhiệm rất lớn từ sự buông lỏng của những người giữ rừng.

Quảng Trị: Khai thác rừng trồng, chặt luôn rừng tự nhiên

Sự việc xảy ra ở tiểu khu 771, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đang được công an Quảng Trị điều tra, theo báo Thanh Niên.

Cụ thể, đã có 35 cây rừng tái sinh tự nhiên bị chặt hạ và có 3,6 ha rừng tự nhiên tái sinh có nguy cơ bị xâm hại tại tiểu khu 771, xã Cam Tuyền thuộc phạm vi ranh giới quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9.

Phá rừng tự nhiên tái sinh ở xã Cam Tuyền (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).
Phá rừng tự nhiên tái sinh ở xã Cam Tuyền (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Những cây rừng tự nhiên này vốn không thuộc nhóm được phép khai thác, nhưng chúng bị chặt phá như kiểu rừng trồng mà không có sự can thiệp của đơn vị bảo vệ rừng.

Phú Yên: Lãnh đạo để mất rừng kêu khổ

Theo thông tấn xã Việt Nam, việc chặt phá rừng tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, Phú Yên đang diễn ra nghiêm trọng. Hàng loạt cây gỗ lớn, có cây đường kính gốc tới 120 cm bị chặt hạ, nằm từng đoạn giữa cánh rừng Sơn Hội.

Phía lãnh đạo xã để mất rừng này khi lên tiếng trước báo giới lại kêu khổ.

Chủ tịch xã Sơn Hội nói, sau hai ngày nhận tin rừng bị phá, đã cho người đi kiểm tra, nhưng chưa xác định được lâm phần này có phải do xã quản lý hay không?!

Còn đầu tháng 9, địa phương đã xác định được trên diện tích 1.200m2 đất rừng thuộc khu vực Sông Cồn do có tình trạng cây rừng bị chặt phá nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Trong khi đó, bí thư xã này nói, việc xác định lâm tặc gặp khó khăn vì… không bắt được quả tang. Ngoài ra, việc quản lý 5.300ha rừng với xã cũng khó do lâm tặc rất manh động.

Kon Tum: Cây rừng bị chặt hạ cách chốt bảo vệ rừng… 50m

Theo báo Lao Động, tại xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy, lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy quản lý phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn. Tại hiện trường, có hàng chục cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ với tổng thiệt hại lên đến 147m3 gỗ. Các cây gỗ có giá trị như bằng lăng, sơn huyết, dổi… bị cưa hạ, dấu vết còn mới.

Theo các phóng viên điều tra ở hiện trường, thì rừng ở Mo Rai bị …chảy máu từng ngày dù có sự xuất hiện thường trực của đoàn liên ngành và cách chốt bảo vệ rừng chưa đầy 50m.

Rừng tự nhiên bị phá ở xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).
Rừng tự nhiên bị phá ở xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).

Hiện vụ việc này chưa bị khởi tố, trong khi chính một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy cho biết rằng “ban đầu vụ khai thác gỗ có thể thiệt hại trên 10m3 gỗ, đủ để khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên cần mở rộng hiện trường thêm”.

Cho đến nay, thống kê chính xác nhất tổng số gỗ thiệt hại là 147m3 – con số lớn so với nhiều vụ phá rừng khác đang diễn ra ở Tây Nguyên