Trục của Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Trung Quốc cộng sản Tập Cận Bình, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, và lãnh đạo Iran Ali Khamenei được hệ tư tưởng mà họ sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân và nhà nước thúc đẩy. Tuy nhiên, do hệ tư tưởng và mục tiêu của họ khác nhau nên cuối cùng họ sẽ xung đột, dẫn đến sự tan rã của cả khối.
Trung Quốc cộng sản, Liên bang Nga, Bắc Hàn, và Cộng hòa Hồi Giáo Iran đang hình thành một trục để đối đầu với Hoa Kỳ và viết lại trật tự quốc tế do phương Tây dẫn dắt. Ông Tập, ông Putin, ông Kim, và ông Ayatollah Khamenei có một số điểm chung: họ không được bầu chọn một cách chính thường, không có giới hạn nhiệm kỳ, và nắm giữ quyền lực tuyệt đối ở đất nước họ. Cả bốn quốc gia đều đã chứng kiến những cuộc cách mạng bạo lực, và các nhà lãnh đạo của họ đều nhận thức được khả năng rất xa vời rằng họ sẽ bị lật đổ. Nhận thức này thúc đẩy sự cai trị độc tài của họ.
Một sự khác biệt đáng kể giữa khối đương đại này và Liên Xô cũ hay Trục Phát xít-Đức Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến là bốn nhà lãnh đạo trên không có chung một hệ tư tưởng.
Cả bốn người đều tuyên bố rằng họ có động cơ về mặt ý thức hệ: ông Tập với Tư tưởng Tập Cận Bình (“chủ nghĩa xã hội”), ông Putin với chủ nghĩa dân tộc Nga (hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa Putin), ông Kim với Juche, và ông Khamenei với thần quyền Hồi Giáo. Trong khi hệ tư tưởng định hình các quan điểm và chính sách công của họ, thì tham vọng và mục tiêu cá nhân thường vượt xa cam kết thực sự về hệ tư tưởng. Mỗi nhà lãnh đạo điều chỉnh hệ tư tưởng của mình để phù hợp với mục tiêu của chính quyền, hoàn thành tầm nhìn của họ về tương lai đất nước và thế giới.
Về mặt lý thuyết, lẽ ra ông Tập là do hệ tư tưởng cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa thúc đẩy. Tuy nhiên, thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” đánh dấu sự thoát ly hệ tư tưởng khắt khe, phù hợp hơn với mục tiêu của nhà nước là trở thành cường quốc kinh tế thống trị thế giới. Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn giữ cái mác cộng sản, cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình thực dụng hơn, tập trung vào phát triển kinh tế, tiến bộ công nghệ, sức mạnh quân sự, và tăng cường kiểm soát nhà nước. Luận điểm hệ tư tưởng “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” hợp pháp hóa sự cai trị của ĐCSTQ và củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình. Động lực của ông Tập dường như thiên về củng cố di sản của ông với tư cách là một trong ba nhà lãnh đạo vĩ đại của thời kỳ cộng sản và biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu. Hệ tư tưởng cộng sản đóng vai trò như một công cụ để thống nhất quốc gia và biện minh cho sự kiểm soát và giám sát sâu rộng của nhà nước.
Ông Putin có rất nhiều hoài niệm về Liên Xô, một chính phủ mà ông từng phục vụ khi còn là một sĩ quan KGB, và ông thường lồng ghép các yếu tố của nước Nga đế quốc trong các bài diễn thuyết của mình. Nước Nga hiện đại, dưới thời ông Putin, thiếu một khuôn khổ tư tưởng chặt chẽ như chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Thay vào đó, ông Putin tận dụng chủ nghĩa dân tộc, phong trào bài phương Tây, và khái niệm khôi phục vị thế cường quốc của Nga để củng cố quyền cai trị và biện minh cho các chính sách của mình. Mục tiêu chính của ông dường như là duy trì quyền lực của chính ông và sự ổn định của chế độ. Các yếu tố hệ tư tưởng được điều chỉnh để củng cố mục tiêu này, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và sự đoàn kết trước các mối đe dọa ngoại bang.
Tiếp nối cha mình là ông Kim Jong II, sự cai trị của ông Kim hoàn toàn dựa trên hệ tư tưởng triều đại của ông nội ông, ông Kim Il Sung, người đã phát triển Juche và thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hệ tư tưởng này, Juche (sự tự lực), cùng với sự sùng bái cá nhân, rất quan trọng để duy trì sự ổn định và kiểm soát của chế độ. Ông Kim sử dụng hệ tư tưởng này để hợp pháp hóa sự cai trị của mình và bảo đảm lòng trung thành của quân đội và giới thượng lưu. Hành động của ông chủ yếu do nhu cầu bảo đảm sự tồn tại và liên tục của chế độ thúc đẩy.
Ông Khamenei, mặc dù không hoàn toàn do mong muốn cống hiến cho cuộc cách mạng Hồi Giáo thúc đẩy, nhưng có thể bị ảnh hưởng từ niềm tin tôn giáo của ông nhiều hơn là từ chủ nghĩa xã hội, như ông Tập chẳng hạn. Cả bốn nhà lãnh đạo này đều không chỉ là người đứng đầu chính phủ mà còn là người đứng đầu hệ tư tưởng của họ. Với tư cách là quyền lực tôn giáo cao nhất ở Iran, chế độ Ayatollah bảo vệ Cách mạng Hồi Giáo và có thể định hướng đi cho cuộc cách mạng đó. Các chính sách và hành động của ông phản ánh cam kết quản lý thần quyền và truyền bá các lý tưởng cách mạng của Iran. Trong khi lấy hệ tư tưởng tôn giáo làm trung tâm, ông Khamenei cũng sử dụng hệ tư tưởng này một cách chiến lược để tập hợp sự ủng hộ, duy trì quyền kiểm soát nội bộ, và biện minh cho các tham vọng khu vực của Iran. Tuy nhiên, sự sống còn về mặt cá nhân và chính trị của ông cũng là một động lực đáng kể.
Đối với ông Putin, ông Tập, và ông Kim, hệ tư tưởng thường là một công cụ để hợp pháp hóa sự cai trị của họ và tập hợp dân chúng hơn là một nguyên tắc dẫn đường thực sự. Ngay cả khi ông Khamenei sử dụng hệ tư tưởng để củng cố quyền lực của mình, ông vẫn có thể đại diện cho sự tuân thủ hệ tư tưởng chân thực hơn, do niềm tin tôn giáo của ông thúc đẩy. Tất cả bốn câu chuyện về hệ tư tưởng trên đều được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu cá nhân và quốc gia của họ, bảo đảm sự ổn định và liên tục của chế độ. Hệ tư tưởng chỉ là thứ yếu so với nhu cầu thực tế trong việc duy trì quyền lực, kiểm soát dân số và đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn.
Mỗi nhà lãnh đạo đều tin rằng hệ tư tưởng của họ là ưu việt và hướng tới sự thống trị toàn cầu hoặc khu vực. Tuy nhiên, bản chất khác biệt và xung đột trong hệ tư tưởng của họ có nghĩa là mối quan hệ giữa các quốc gia này không thể bền vững, vì các mục tiêu chính sách của họ cuối cùng sẽ dẫn đến xung đột.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times