Liên tiếp Hoa Kỳ, Mexico cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang nước họ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và bán phá giá.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 29/7/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép – chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 – nhập khẩu từ Việt Nam, theo báo VnEconomy.

Nguyên đơn trong vụ kiện này là các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) – là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép – từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng với các nước này.

Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.

Phía Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp cũng được cảnh báo cần ‘làm ăn nghiêm chỉnh’, thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ…

Trước đó, ngày 28/7/2022, Bộ Kinh tế Mexico cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Sản phẩm bị cáo buộc điều tra chống bán phá giá là các sản phẩm thép cán nguội có mã HS: 7209.16.01, 7209.17.01, 7209.18.01, 7209.26.01, 7209.27.01, 7209.28.01, 7209.90.99, 7211.23.03, 7211.29.99, 7211.90.99, 7225.50.07, và 7226.92.06.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu thép Việt Nam (ảnh chụp màn hình Báo Diễn đàn doanh nghiệp).

Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) (http://trademap.org), trong năm 2020, Mexico nhập khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép các loại từ Việt Nam, tăng khoảng 70% so với năm 2019, chủ yếu (chiếm gần 80%) là các sản phẩm có mã HS 7209 (thuộc phạm vi cáo buộc của vụ việc này) và 7210 (thuộc phạm vi cáo buộc của vụ việc Mexico điều tra chống bán phá giá với thép mạ trước đó).

Đối với các nhóm sản phẩm thép cán nguội đang bị điều tra, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng gần 50 triệu USD.

Sau khi chính thức khởi xướng vụ việc, Cơ quan điều tra đã gửi Bản câu hỏi điều tra tới các doanh nghiệp bị nêu tên trong đơn kiện. Thời hạn trả lời là ngày 6/9/2022 (có thể được gia hạn).

Việc trả lời bản câu hỏi là bắt buộc, nếu các doanh nghiệp không muốn bị áp dụng mức thuế bất hợp tác ở mức cao. Các tài liệu do Cơ quan điều tra Mexico gửi bằng tiếng Tây Ban Nha và các tài liệu do các bên nộp cho Cơ quan điều tra cũng phải được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định hiện hành.

Dự kiến, cơ quan điều tra Mexico sẽ ra kết luận sơ bộ trong vòng 130 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.

Tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng  nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được triển khai có hiệu quả, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường châu Mỹ trong đó có Mexico mức tăng trưởng rất tốt, theo Báo Đầu Tư.

Xuất khẩu của Việt Nam vào Mexico năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng ở mức 4,57 tỷ USD, tăng tới 44,5% so với năm 2020. Nhập khẩu giảm nhẹ 4,5% với 499 triệu USD. Do vậy, cán cân thương mại song phương có thặng dư tới 4,07 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước.

Điều này cũng gây nên áp lực không nhỏ tới chính sách ngoại thương nước này khi gần đây các vụ kiện điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp gia tăng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có giữa Việt Nam và Mexico đã thúc đẩy thương mại tăng tốc, nhất là ở chiều xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico trong đó sắt thép là mặt hàng tăng trưởng cao.

Có thể bạn quan tâm: