Lượng lớn công chúng Việt Nam thích Mỹ và không mấy thiện cảm với Trung Quốc, theo nhận định của một học giả người Việt Nam tại Singapore.

Báo Nhật Bản Nikkei Asia hôm 13/9 đăng bài bình luận của ông Dien Nguyen An Luong, một học giả Việt Nam tại Viện ISEAS – Yusof Ishak (Singapore). Bài bình luận có tiêu đề: “Vietnamese love the US, and China cannot change that” (tạm dịch: “Việt Nam thích Mỹ, Trung Quốc không thể thay đổi điều đó”).

Mở đầu bài bình luận, ông An Luong đề cập đến việc “Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã vội vàng tổ chức một cuộc gặp không báo với Thủ tướng Phạm Minh Chính”, chỉ vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam.

Hai tuần sau khi bà Harris rời Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Hà Nội vào ngày 10/9 để bắt đầu chuyến công du dài 1 tuần ở châu Á.

“Những nỗ lực ngoại giao liên tiếp như vậy là hoàn toàn trái ngược với hoạt động trao đổi ngoại giao mờ nhạt giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong năm qua”, theo học giả An Luong.

Đầu năm 2021, ông Vương Nghị đã đến thăm tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam. Tháng 3 năm 2020, Trung Quốc đã không mời Việt Nam tham dự một cuộc họp với các ngoại trưởng Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.

Nhưng các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, sau đó là chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam đã khiến Trung Quốc phải cảnh giác.

Học giả An Luong cho rằng các nỗ lực ngoại giao gần đây của Bắc Kinh dường như là nhằm gửi thông điệp tới Hà Nội rằng: “Đừng quá gần gũi với Mỹ”. Ngược lại, Hà Nội đã thể hiện rõ quan điểm rằng: “Việt Nam không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác”, theo phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba.

Ông An Luong cho rằng Việt Nam luôn phải cố gắng hòa đồng và đứng vững trước Trung Quốc. Trong khi đó, theo ông Luong: “Vấn đề đối với Bắc Kinh là họ sẽ luôn phải đối mặt với một trận chiến khó khăn, đó là tập hợp công chúng Việt Nam đứng về phía mình”.

Công chúng Việt Nam thích Mỹ hơn Trung Quốc

Vị học giả người Việt Nam cho biết: Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore đã thực hiện một phân tích trực tuyến về tình cảm công chúng. Kết quả cho thấy chuyến thăm của bà Harris “đã tạo ra phản ứng tích cực tổng thể trên cả các tờ báo Việt Nam và trên mạng xã hội”.

Ông cho rằng “những phản ứng tích cực như vậy rất có thể là biểu hiện của tình cảm thân Mỹ đã có từ lâu trong thế hệ trẻ Việt Nam”.

Ông Luong đề cập đến thực tế là thanh niên Việt Nam chiếm 1/4 dân số. Hai phần ba trong tổng số gần 100 triệu dân của Việt Nam sinh ra sau chiến tranh với Mỹ. “Chính những người đó mới là nền tảng của dư luận, một thực tế được chứng thực bởi nhiều cuộc thăm dò khác nhau cho thấy sự ủng hộ không ngừng của người Việt Nam đối với Hoa Kỳ”, học giả An Luong viết.

Ngược lại, mối đe dọa từ Trung Quốc đã “ăn sâu vào tâm lý người Việt Nam”.

Theo ông An Luong, thanh niên Việt Nam và thế hệ lớn tuổi đều không có bất đồng nào khi đề cập đến “nước láng giềng khổng lồ phía bắc của Việt Nam”.

Ông viết: “Mối đe dọa từ Trung Quốc chưa bao giờ biến mất.”