Khi nào Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới? Có lẽ là không bao giờ, theo phân tích của Bloomberg.
- Giáo sư Trung Quốc: ‘ĐCSTQ bên ngoài là rồng đói, bên trong là hổ giấy’
- Tâm lý ‘chán ghét Trung Quốc’ tăng cao kỷ lục
Tham vọng vị trí số 1 thế giới của Trung Quốc còn lâu mới thành hiện thực
Theo đánh giá của Bloomberg, nếu ông Tập Cận Bình thực hiện những cải cách thúc đẩy tăng trưởng; và ông Joe Biden không thể thúc đẩy các đề xuất đổi mới cơ sở hạ tầng; thì Trung Quốc có thể sẽ trở thành siêu cường số 1 thế giới sớm nhất vào năm 2031.
Tuy nhiên, tham vọng đó còn lâu mới thành hiện thực. Kế hoạch tăng trưởng của Trung Quốc đang bị lu mờ. Thuế quan, các biện pháp hạn chế thương mại đang cản trở quốc gia này tiếp cận thị trường toàn cầu và các công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, các biện pháp kích thích nền kinh tế trong đại dịch đã khiến mức nợ công của Trung Quốc tăng cao kỉ lục.
Theo Bloomberg, một kịch bản kinh hoàng đối với ông Tập, đó là Trung Quốc rơi vào tình cảnh tương tự như Nhật Bản trước kia: Cũng từng được coi là thách thức kinh tế với Mỹ, nhưng rồi bị đổ vỡ cách đây 30 năm. Cải cách thất bại, bị cô lập về kinh tế và khủng hoảng tài chính – những điều đó sẽ cản trở Trung Quốc lên vị trí hàng đầu thế giới.
Hơn nữa, số liệu GDP chính thức của Trung Quốc bị phóng đại quá mức thực tế. Vậy nên, việc Trung Quốc cố gắng bắt kịp Mỹ về kinh tế sẽ diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn kì vọng.
Theo phân tích của Bloomberg, về lâu dài có ba yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên trong cả ba yếu tố này, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Lao động giảm mạnh trong trong 30 năm tới
Một bài toán rất đơn giản, nhiều nhiều lao động hơn đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Đây cũng là thách thức đầu tiên đối với Trung Quốc. Quốc gia này đang đối diện với tỷ lệ sinh thấp. Nếu vẫn giữ xu hướng này, số người lao động tại Trung Quốc sẽ giảm hơn 260 triệu người trong 30 năm tới, tương đương 28%.
Gần đây Bắc Kinh đã có một số thay đổi chính sách để đối phó với tình trạng này, như cho phép mỗi gia đình có 3 con; tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, kế hoạch này có thể sẽ không thành công. Dù chính quyền khuyến khích sinh thêm con; thì các cặp vợ chồng lại có quan điểm ngược lại. Họ cho rằng chi phí cho giáo dục và nhà ở quá cao, trong khi việc nuôi con rất tốn kém.
Chi tiêu vốn không hiệu quả
Số lượng nhà máy, đường sắt hoặc tháp 5G dự kiến sẽ không sụt giảm. Tuy nhiên, sau nhiều năm đầu tư tăng chóng mặt, Trung Quốc đang đối mặt với tình tình trạng dư thừa công suất.
Những thành phố ma với các đường cao tốc 6 làn xe và tòa nhà bị bỏ trống. Đây là những dấu hiệu chứng minh hoạt động chi tiêu vốn của Trung Quốc không hiệu quả.
Năng suất thấp
Khi chi tiêu vốn đã ở mức quá cao và lực lượng lao động dự báo sẽ sụt giảm; thì năng suất là chìa khóa cho tăng trưởng tương lai của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo dự báo của Bloomberg, đến năm 2050 năng suất của Trung Quốc mới đạt tới mức 70% của Mỹ.
Các nhà kinh tế phương Tây cho rằng, Trung Quốc muốn tăng năng suất thì cần phải bãi bỏ hệ thống quản lý hộ khẩu vốn đã lạc hậu; tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các công ty quốc doanh và tư nhân; giảm bớt rào cản cho các công ty nước ngoài trong việc tiếp cận với nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Trung Quốc có thể xảy ra khủng hoảng tài chính?
Một kịch bản cực đoan có thể xảy đến với Trung Quốc. Đó là nguy cơ khủng hoảng tài chính do đình trệ trong cải cách và bị quốc tế cô lập.
Kể từ năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP của Trung Quốc đã tăng vọt từ 140% lên 290%. Các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với đại dịch đã góp phần làm tăng vọt tỷ lệ này trong thời gian gần đây.
Bloomberg dự báo một cuộc khủng hoảng kiểu phá sản như tập đoàn“Lehman Brothers” có thể xảy ra với Trung Quốc. Nó sẽ khiến Trung Quốc rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng. Đó sẽ là một thập niên mất mát với mức tăng trưởng gần như bằng 0.
Ngoài ra, các con số tăng trưởng chính thức của Trung Quốc cũng gây ra nhiều nghi ngờ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nói: “Số liệu GDP là do con người tạo ra”. Để có con số đáng tin cậy hơn, ông Lý nói rằng ông thường cân nhắc các con số khác như; các khoản vay ngân hàng, sản lượng điện, cước vận chuyển đường sắt.
Theo tính toán của các nhà kinh tế tại Đại học Chicago và Đại học Trung Văn Hương Cảng, từ năm 2010- 2016, tăng trưởng GDP “thực” của Trung Quốc thấp hơn khoảng 1,8 điểm% so với công bố.
Bloomberg đã xây dựng các kịch bản cho kết quả của cuộc đua kinh tế Mỹ-Trung. Nếu thuận lợi thì Trung Quốc có thể bắt kịp với Mỹ trong một thập niên tới và từ đó gia tăng khoảng cách. Nhưng kịch bản thuận lợi khó xảy ra.
Còn nếu các biện pháp cải cách bị đình trệ, lực lượng lao động sụt giảm và khủng hoảng tài chính xảy ra, Trung Quốc không thể nào giành được vị trí quán quân từ tay Mỹ.