Hơn 1 tuần này, hàng vạn cành hoa cúc, cẩm chướng Đà Lạt phải xay làm phân vì vướng quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) nên không xuất khẩu được sang Úc.
- Phó Hiệu trưởng nói gì về nội dung mình dạy giống 80% đề thi tốt nghiệp
- Rác trải dài cả cây số, du khách đến “đảo ngọc” Quảng Nam không hẹn ngày trở lại
- Siêu thị lên tiếng về hình ảnh người đàn ông mua một xe trứng đầy giữa mùa dịch khan hiếm
Thông tin trên được đại diện Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm) và các nông hộ trồng hoa xuất khẩu tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết vào sáng 14/7.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm lí giải: Trong Thông tư của Bộ NN-PTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thì từ ngày 1/7, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước, nguồn tin từ báo Người Lao Động.
Tin từ báo Tuổi Trẻ, để xuất hoa sang thị trường Úc, hoa cúc và cẩm chướng cần phải sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa. Và đơn vị nhập khẩu hoa tại Úc không chấp nhận sử dụng hợp chất thay thế ngoài glyphosate.
Do đó, nếu người sản xuất hoa cho thị trường Úc làm theo quy định của Bộ NN&PTNT thì sẽ không được phía Úc tiếp nhận hoa. Nếu làm theo quy định của đối tác phía Úc thì vi phạm quy định của Việt Nam và không được cấp phép xuất khẩu.
Chính sự đối lập về quy định từ Việt Nam và Úc đã khiến người sản xuất hoa xuất khẩu tại Đà Lạt rơi vào thế bị động.
Hơn 1 tuần qua, tổ kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) huyện Đức Trọng không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc, toàn bộ hoa đã xử lý glyphosate đều phải tiêu hủy bằng cách xay để ủ phân bón.
Riêng Công ty Dalat Hasfarm đã phải tiêu hủy 3 container. Từ khi hoa không xuất khẩu được sang Úc, công ty thiệt hại 126.000 USD (gần 2,9 tỷ đồng). Nếu trong tháng tới không xuất khẩu được thì thêm khoảng 2,2 triệu cành hoa sẽ phải tiêu hủy, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Chia sẻ với Zing, ông Lê Mỹ Thành (phường 7, TP. Đà Lạt) có 7.000 m2 nhà kính trồng hoa cúc liên kết với doanh nghiệp trồng hoa xuất khẩu sang Úc. “Kế hoạch sản xuất, đơn đặt hàng đã thống nhất hết rồi. Nếu tình trạng này kéo dài, phía công ty không xuất khẩu hoa đi được thì nông dân chúng tôi cũng phải cắt bỏ hoa, xót xa lắm nhưng đâu còn cách nào khác”, ông Thành nói.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nhận định việc không cho sử dụng hoạt chất Glyphosate đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp và các nông hộ trồng hoa ở Đà Lạt. Mặt khác còn có nguy cơ buộc hàng trăm công nhân phải nghỉ việc, nhiều nhà vườn mất thu nhập vì phải cắt, đổ bỏ hoa ngoài đồng.
Hiện tại, thị trường Úc đóng vai trò rất quan trọng của ngành hoa Đà Lạt với sản lượng gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, đạt doanh thu 5,2 triệu USD/năm. Đây là thị trường truyền thống trong 23 năm qua và đang tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản báo cáo về những trường hợp bị vướng quy định, tuy nhiên đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có kết quả xử lý.