Cuộc khủng hoảng Sri Lanka gây chấn động thế giới những ngày qua. Là một quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, phải chăng Sri Lanka đã dính bẫy nợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Trang Secret China hôm 10/7 đã có bài viết về vấn đề này.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ của Sri Lanka

Với dân số 22 triệu người, quốc gia này đã trải qua nhiều tháng khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng chóng mặt. Lạm phát đạt mức kỷ lục, lên đến 53,6 % vào tháng 6/2022, và có thể sẽ còn tăng thêm.

Người dân khốn khổ vì đất nước sa lầy vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Chính phủ cạn kiệt ngoại hối đến mức không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Chính phủ Anh đã cảnh báo công dân không đến Sri Lanka, nói rằng nước này đang “thiếu thốn các nhu yếu phẩm cơ bản, như thuốc men, khí đốt nhà bếp, nhiên liệu và thực phẩm”.

Trong khi cuộc khủng hoảng không có dấu hiệu giảm bớt, nhiều người Sri Lanka tuyệt vọng đang phải chạy trốn ra nước ngoài, bằng cách đi thuyền bất hợp pháp sang các nước láng giềng như Ấn Độ và Australia.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka đã trở thành một “quốc gia phá sản” với tổng số nợ vượt quá 50 tỷ USD.

Tình trạng khốn khó đã quá mức chịu đựng của người dân. Hàng nghìn người Sri Lanka đã biểu tình ở thủ đô Colombo vào ngày 9/7. Các nhân chứng cho biết, dù cảnh sát bắn tới tấp nhưng không thể ngăn được những người dân tức giận bao vây và xông vào dinh tổng thống. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa Rajapaksa đã bỏ trốn và chấp nhận từ chức.

Vành đai Con đường có liên quan đến cuộc khủng hoảng của Sri Lanka?

Sri Lanka là một trong những quốc gia quan trọng trong sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thập niên qua, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay hàng tỷ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka. Các dự án này bao gồm cảng biển, sân bay, đường cao tốc, nhà máy điện và thành phố cảng. Với hy vọng có được cơ sở hạ tầng hiện đại, Sri Lanka đã gia tăng gánh nặng nợ nần với Trung Quốc.

Để trả nợ, nước này đã cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm kể từ năm 2017. Ngoài Trung Quốc, các chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka là Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Cảng Hambantota của Sri Lanka nhìn từ vệ tinh (ảnh: CSIS). Năm 2017, Sri Lanka đã phải gán cảng biển này cho Trung Quốc thuê 99 năm do không trả được khoản nợ 1,4 tỷ USD từ Trung Quốc.
Cảng Hambantota của Sri Lanka nhìn từ vệ tinh (ảnh: CSIS). Năm 2017, Sri Lanka đã phải gán cảng biển này cho Trung Quốc thuê 99 năm do không trả được khoản nợ 1,4 tỷ USD từ Trung Quốc.

Một số nhà phân tíchy cho rằng Sri Lanka đã rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc. Ông Toriro Nishizawa, giáo sư tại Trường Chính sách Công thuộc Đại học Tokyo, cho biết Trung Quốc tuyên bố rằng một số khoản vay của họ dành cho Sri Lanka thuần túy là thương mại. Vì vậy, nội dung của chúng nằm ngoài phạm vi đàm phán tại các diễn đàn quốc tế như G20, vì vậy nội dung cụ thể của các cuộc đàm phán cho vay phải phù hợp với cách đối xử song phương giữa bên cho vay và bên đi vay.

Các dự án Vành đai, Con đường của Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích là các khoản “bẫy nợ”, khiến quốc gia đi vay ngày càng lệ thuộc vào Bắc Kinh, và buộc phải nhượng bộ theo các yêu sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngược lại, các khoản bẫy nợ cũng có thể khiến Trung Quốc phải trả giá. Ông Nishizawa nói, nợ là vấn đề đối với người đi vay, nhưng cũng là vấn đề đối với người cho vay. “Bẫy nợ” là một con dao hai lưỡi, và cả Trung Quốc và các nước đi vay đều tìm cách hưởng lợi, đồng thời cũng có thể phải trả giá vì nó.

Có thể bạn quan tâm