Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang bế tắc trong việc ngăn chặn nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Các chính sách mà Bắc Kinh đưa ra hiện giờ là “bế tắc nhưng vẫn làm”.
Trong bài phân tích trên trang The Epoch Times ngày 24/8, Tiến sĩ Antonio Graceffo cho biết hàng loạt hãng xếp hạng tín nhiệm như Standard Chartered, Goldman Sachs và Nomura đều đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Nguyên nhân là do nền kinh tế Trung Quốc liên tục chịu ảnh hưởng của chính sách “zero-COVID”, thị trường bất động sản sa sút, khủng hoảng nợ và lĩnh vực công nghệ suy giảm.
Trung Quốc “thiên tai nhân họa” chồng chất
Tiến sĩ Graceffo cho biết: “Hạn hán ở Tây Nam Trung Quốc đã làm sụt giảm công suất điện, khiến các nhà máy ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh phải đóng cửa. Hoạt động khai thác lithium cũng bị cản trở vì cúp điện. Do đó, chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tiếp tục bị gián đoạn, khiến giá pin ô tô điện tăng lên”.
Tăng trưởng sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ đã suy yếu trong tháng Bảy. Hàng trăm nghìn héc ta cây trồng đã héo úa, làm tăng thêm thảm họa về an ninh lương thực và lạm phát của đất nước đông dân nhất thế giới.
Trong khi đó, phía tây bắc Trung Quốc và Nội Mông phải đối mặt với mưa lớn và cảnh báo lũ lụt. Các vấn đề gần đây nhất xảy ra chỉ vài tuần sau khi Thượng Hải mở cửa trở lại từ đợt phong tỏa kéo dài khoảng 2 tháng.
Những vấn đề này ảnh hưởng xấu đến GDP. Trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 2,5%. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo của Bắc Kinh là 5,5%.
Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư đều giảm dưới mức dự báo của Bắc Kinh. Tỷ lệ thất nghiệp nói chung là 5,5%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên hiện đã vượt quá 19%. Lợi tức trái phiếu tăng và đồng nhân dân tệ giảm do người tiêu dùng và các nhà đầu tư trong và ngoài Trung Quốc mất niềm tin.
Bất chấp những thiệt hại rõ ràng đối với nền kinh tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách “zero-COVID”, nghĩa là phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động để chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa đảo Hải Nam.
Sự cố phong tỏa có thể xảy ra bất ngờ, khiến người dân hoảng loạn, các doanh nghiệp điêu đứng. Ví dụ như vụ việc tại cửa hàng IKEA ở Thượng Hải, chính quyền phong tỏa bất ngờ chỉ vì một đứa trẻ 6 tuổi không có triệu chứng vừa đến cửa hàng. Nhiều người cố gắng bỏ chạy khỏi cửa hàng để tránh bị cách ly, nhưng không kịp.
Tencent, một trong những công ty hàng đầu của Trung Quốc, đã buộc phải đóng cửa một số đơn vị kinh doanh và cắt giảm 5% lực lượng lao động. Công ty báo cáo doanh thu giảm 3% trong quý 2 năm 2022 so với năm ngoái. Doanh số bán quảng cáo, một phần lớn trong thu nhập của công ty, đã giảm 18%.
Việc Bắc Kinh trấn áp lĩnh vực kinh doanh game cũng khiến các công ty công nghệ khó tồn tại hơn. Hầu hết các công ty đều nhận thấy rằng họ phải thu hẹp quy mô để tồn tại.
Giới chức Trung Quốc loay hoay vực dậy nền kinh tế
Trong khi nhiều nước đang đối mặt với lạm phát cao, thì ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng. Lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích mua sắm và chi tiêu, nhưng người dân Trung Quốc ngần ngại chi tiêu sau khi trải qua hai năm rưỡi phong tỏa liên tiếp. Do đó, việc cắt giảm lãi suất dự kiến sẽ có ít hoặc không có tác động kinh tế, theo ông Graceffo.
Nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes từng nói rằng việc nới lỏng tiền tệ vào thời điểm mà không ai muốn vay mượn hay chi tiêu cũng giống như việc dùng sợi dây thừng làm gậy chống.
Bằng chứng cho quan điểm của Keynes là mặc dù lãi suất thấp, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục hạ nhiệt. Doanh số bán nhà ở tháng Bảy giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giá đã giảm đều đặn trong 11 tháng liên tiếp. Tình trạng suy thoái nhà ở đang diễn ra trên toàn bộ lĩnh vực công nghiệp, với sản lượng thép hàng tháng ở mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Trong khi hầu hết các chỉ số khác đều giảm, tiết kiệm hộ gia đình lại tăng 13%. Điều này tái khẳng định rằng công dân Trung Quốc đang không muốn rời bỏ tiền mặt của mình.
Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các chính quyền địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ tăng trưởng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ trung ương hiện đang cho phép các chính quyền địa phương phát hành 220 tỷ USD trái phiếu.
Ông Lý Khắc Cường nhắc lại tầm quan trọng của việc kích thích tiêu dùng trong nước và đầu tư nước ngoài. Việc phát hành trái phiếu tăng lên sẽ làm gia tăng nợ công của Trung Quốc. Trong khi đó, lãi suất giảm sẽ khiến Trung Quốc khó cạnh tranh với Hoa Kỳ trên thị trường đầu tư nước ngoài.
Do các con số trong tháng 7 và các chính sách COVID đang thực hiện, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc từ 3,3% xuống 3%, trong khi Nomura hạ dự báo xuống 2,8%.
Có thể bạn quan tâm: