Nền kinh tế vốn đã “mong manh” của Trung Quốc gặp phải trở ngại lớn vì hạn hán kéo dài. Nó cũng gây khó khăn cho kế hoạch giữ ghế thêm một nhiệm kỳ” của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bài báo của Bloomberg sáng nay (24/8) có tiêu đề: “Nền kinh tế mong manh của Trung Quốc đang bị tác động bởi những con sông cạn kiệt nhất kể từ năm 1865”.
Mực nước của sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á, sụt giảm nghiêm trọng. “Nó vẫn tiếp tục đi xuống”, theo ông Wan Jinjun, một người đàn ông 62 tuổi đã nghỉ hưu sống ở địa phương.
Mực nước suy giảm ở sông Dương Tử đã làm ảnh hưởng đến việc phát điện tại nhiều nhà máy thủy điện quan trọng, gây ra tình trạng hỗn loạn về cung cấp năng lượng tại nhiều khu vực của Trung Quốc.
Các thành phố lớn, trong đó có Thượng Hải, buộc phải tắt bớt đèn, thang cuốn và cắt giảm điều hòa nhiệt độ. Tesla đã cảnh báo về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cho nhà máy ở Thượng Hải. Những công ty khác như Toyota và Contemporary Amperex Technology, nhà sản xuất pin cho xe điện hàng đầu thế giới, đã phải đóng cửa các nhà máy.
Thiếu điện khiến cuộc sống của nhiều người gặp khó khăn. “Đây là mùa hè nóng nhất mà tôi có thể nhớ được”, anh Luo Yi, một công nhân 26 tuổi tại Vũ Hán cho biết. Công ty của anh đã phải chuyển cảng nổi gần bờ vào đầu năm nay để có thêm chỗ cho việc vận chuyển trên con sông bị hạn hán.
Nền kinh tế Trung Quốc vốn đã “mong manh” vì dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, thì nay lại “dính đòn” vì hạn hán. Theo Bloomberg, tình hình này “có thể gây rủi ro cho nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ đô la Mỹ”. Các nhà kinh tế đã hạ triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống dưới 4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của chính phủ.
Tình trạng hạn hán kéo dài, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là tới Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Tại đó, Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng tiếp tục giữ ghế thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Sự bức xúc của người dân, hạn hán và kinh tế suy yếu có thể cản trở kế hoạch đó của ông Tập.