Các chỉ số cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu nghiêm trọng trong thời gian gần đây, theo Nikkei Asia. Nguồn tin của tờ báo Nhật cho biết giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã gấp rút tổ chức một cuộc họp bí mật về vấn đề này.

Trong bài phân tích sáng nay (4/11) của Nikkei, biên tập viên cấp cao Katsuji Nakazawa cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc ngày càng có dấu hiệu suy yếu, các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình đang gặp phải những trở ngại khi ông theo đuổi mục tiêu ‘thịnh vượng chung’, hay chia sẻ thành quả của sự phát triển.”

Dấu hiệu kinh tế Trung Quốc suy yếu nghiêm trọng

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong quý từ tháng 7 đến tháng 9 tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến ​​là 4,9% tính theo giá trị thực, theo số liệu do chính phủ công bố vào ngày 18/10.

Hơn nữa, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) chỉ đạt mức 49,2 vào tháng 10. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2020, khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi virus corona. PMI là một chỉ số rất quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.

“Đây là những dấu hiệu suy yếu nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc”, theo Nikkei.

Thông thường, các tập dữ liệu kinh tế như thế này được báo cáo cho giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc khoảng 10 ngày trước khi công bố rộng rãi.

Theo các nguồn tin, giới lãnh đạo cao nhất đã bị sốc trước sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế. Họ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận kín về cách đối phó với tình hình.

Giới lãnh đạo Trung Quốc buộc phải thỏa hiệp

Bài báo đăng ngày 24/10 của Tân Hoa xã đã phản ánh về sự thỏa hiệp của giới lãnh đạo trước những nỗi lo của công chúng được phản ánh trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế.

Kể từ khi ông Tập khởi xướng kế hoạch “thịnh vượng chung”, giới nhà giàu Trung Quốc lo lắng về việc phải chia sẻ chiếc bánh của mình. Trong khi đó, người dân nghèo mòn mỏi, không biết bao giờ mới có được một phần mẩu bánh.

Bài báo của Tân Hoa Xã dường như trấn an công chúng về kế hoạch “thịnh vượng chung” của ông Tập. Bài báo viết rằng thịnh vượng chung không phải là mọi người đều “ăn từ một nồi cơm lớn”. Nó cũng không phải là việc “cướp của người giàu để giúp đỡ người nghèo”.

Nó nói về việc “từng bước hiện thực hóa sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người”. Đó là một thông điệp được thiết kế nhằm mang lại cảm giác đảm bảo cho giới kinh doanh cũng như cho các thị trường đang lo sợ về tình trạng sụt giảm kinh tế do chính sách gây ra.

Nikkei cho biết, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng có động thái trấn an cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc nới lỏng hạn chế với tỉ phú Jack Ma. Ông chủ tập đoàn Ant Group đã được đi thăm Hà Lan, sau một thời gian bị cấm đi nước ngoài.

“Đó là tín hiệu xoa dịu căng thẳng do giới lãnh đạo gửi đến giới kinh doanh, vốn đã nhận thức được tác động tiêu cực của các cuộc đàn áp đối với các doanh nghiệp”, một nguồn tin trong khu vực tư nhân cho biết.

Ông Jack Ma được coi là một trong các mục tiêu đầu tiên của kế hoạch thịnh vượng chung của ông Tập Cận Bình.

Nhưng không rõ các động thái động viên doanh nghiệp sẽ diễn ra bao lâu. Nikkei đặt vấn đề: “Liệu Trung Quốc có tiếp tục gửi thông điệp ủng hộ doanh nghiệp? Hay nó sẽ trở lại thắt chặt vòng tay của mình? Chỉ có ông Tập biết.”

Từ Khóa: