Một trường hợp hy hữu và đầy xúc động vừa được ghi nhận tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai khi các bác sĩ đã nỗ lực vượt qua “cửa tử” để giành giật sự sống cho bé gái 14 tuổi mắc lupus ban đỏ hệ thống (SLE) kèm biến chứng chảy máu phế nang lan tỏa (DAH) – một trong những biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm nhất của bệnh.

Biến chứng chảy máu phế nang – Mối nguy hiểm chết người.

Bệnh nhi là một bé gái 14 tuổi, vừa được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ hệ thống (SLE) – căn bệnh tự miễn mạn tính, có thể gây tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Sau thời gian điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương khác và được xuất viện, chỉ ba ngày sau, bệnh nhi bất ngờ ho ra máu đỏ tươi liên tục, kèm sốt, suy hô hấp cấp và thiếu máu nặng.

Khi nhập viện tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của trẻ đã ở mức cực kỳ nguy kịch: chỉ số SpO₂ giảm sâu còn 80%, nhịp tim 150 lần/phút, huyết áp tụt và nồng độ hemoglobin chỉ còn 40g/L – mức báo động đỏ.

Chẩn đoán nhanh – Hành động kịp thời

Trước dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ biến chứng chảy máu phế nang lan tỏa (DAH) – biến chứng chỉ gặp ở khoảng 2% trẻ mắc lupus nhưng có tỷ lệ tử vong lên tới 50%, các bác sĩ đã ngay lập tức kích hoạt quy trình cấp cứu đặc biệt. Dù không thể tiến hành nội soi phế quản – phương tiện chẩn đoán tiêu chuẩn do bệnh nhi không đủ ổn định, các chuyên gia đã dựa vào tổ hợp dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Hình ảnh X-quang và CT ngực cho thấy tổn thương điển hình của chảy máu phế nang, kết hợp với tình trạng thiếu máu cấp, không có dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng và chỉ số anti-dsDNA tăng cao, nồng độ bổ thể thấp – tất cả đều gợi ý lupus đang hoạt động mạnh và gây biến chứng nội tạng nghiêm trọng.

Quyết định sinh tử: Điều trị ức chế miễn dịch liều cao

Ngay trong thời khắc sinh tử, đội ngũ bác sĩ đã thống nhất sử dụng phác đồ điều trị kinh điển: methylprednisolone liều cao kết hợp cyclophosphamide – hai loại thuốc mạnh có thể ức chế miễn dịch và dập tắt cơn bùng phát của lupus.

Mặc dù đây là lựa chọn có nguy cơ cao về tác dụng phụ như suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng hay ảnh hưởng khả năng sinh sản, nhưng chần chừ đồng nghĩa với mất đi cơ hội sống. Lợi ích cứu sống trẻ đã được đặt lên hàng đầu.

Sự sống hồi sinh từ lòng quyết tâm và chuyên môn y khoa

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bé gái đã ngừng ho ra máu, hết sốt và không còn cần hỗ trợ thở máy. Niềm vui vỡ òa trong lòng các y bác sĩ – những người đã không từ bỏ hi vọng dù trong khoảnh khắc cam go nhất.

TS.BS Mai Thành Công chia sẻ: “Yếu tố quyết định thành công là chẩn đoán sớm và xử trí đúng hướng. Khả năng phân biệt được chảy máu do lupus với nhiễm trùng phổi và sự phối hợp hiệu quả giữa các chuyên khoa như Hồi sức, Miễn dịch, Thận và Hô hấp là điểm mấu chốt”.

Bài học quý giá từ ca bệnh “ngàn cân treo sợi tóc”

Theo TS.BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, lupus ban đỏ hệ thống ở trẻ em là bệnh lý phức tạp, diễn tiến nhanh và có thể đe dọa tính mạng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Ca bệnh là tài liệu quý giá cho công tác đào tạo, nghiên cứu và thực hành lâm sàng, đặc biệt trong việc xử trí các biến chứng hiếm gặp như DAH.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá đây là “một thành tựu y khoa đáng tự hào”, cho thấy sự phối hợp liên chuyên khoa, tinh thần tận tâm và chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ tuyến cuối.

Theo: phapluatxahoi