Chính quyền Trung Quốc thông qua danh nghĩa các công ty để mua đất với mục đích phục vụ gián điệp quân sự tại nhiều quốc gia, không chỉ ở Nhật Bản, Việt Nam mà còn nở rộ ở Hoa Kỳ.

Cách thức chính quyền Trung Quốc thâm nhập Hoa Kỳ bằng các thương vụ bất động sản dường như là mối quan tâm lớn của Thống đốc Ron DeSantis bang Florida. Hồi tháng 7, nghị sĩ đảng Cộng Hòa này tuyên bố rằng, cần phải trấn áp “ảnh hưởng quá mức từ các quốc gia bất hảo” như Trung Quốc để đáp trả các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là thâu tóm nhiều diện tích đất nông nghiệp.

Phát ngôn của thống đốc Ron DeSantis đặt trong bối cảnh ông được hỏi về một báo cáo của Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia, cho thấy các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc đã chi 6,1 tỷ USD vào bất động sản Mỹ trong khoảng thời gian 12 tháng (tính từ tháng 3/2021-3/2022), nhiều hơn bất kỳ nhóm doanh nghiệp ngoại quốc nào khác. Trong số này, Florida chiếm 24% tổng số giao dịch bất động sản quốc tế ở Mỹ, vượt xa bang đứng thứ hai California với 11%.

Theo New York Post, khi đó Thống đốc Florida nói với Laura Ingraham người dẫn chương trình của Fox News, rằng đằng sau những thương vụ này có sự can dự của chính quyền Trung Quốc. “Tôi cho rằng những công ty này có quan hệ với ĐCSTQ”. Ông nói thêm, dù không thể lúc nào cũng tường tận về mối quan hệ đó, tuy nhiên “đó là một vấn đề rất lớn”.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis được biết đến với các tuyên bố rắn với chính quyền ĐCS Trung Quốc (ảnh chụp màn hình REUTERS).
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis được biết đến với các tuyên bố rắn với chính quyền ĐCS Trung Quốc (ảnh chụp màn hình REUTERS).

Gần đây, quan tâm về sự việc này tiếp tục được DeSantis nhắc lại trong những buổi họp báo hay diễn thuyết trước kỳ bầu cử. Đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều người soi xét thương vụ mua 1,400 mẫu đất tiểu bang của một công ty Trung Quốc với kỳ vọng xây dựng một cơ sở nuôi linh trưởng.

Theo The Epoch Times, 3 tháng trước, Công ty JOINN Laboratories CA Inc. đã hoàn tất việc mua mảnh đất ở Levy County, Florida, với giá khoảng 5.5 triệu USD. Các báo cáo cho thấy công ty này có kế hoạch xây dựng một cơ sở nhân giống và cách ly linh trưởng trên khu đất này.

Đáng nói là phòng thí nghiệm này là một công ty con của tập đoàn phát triển dược phẩm JOINN Laboratories, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh mà những sáng lập viên có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Việc phòng thí nghiệm này mua lại 10 lô đất từ công ty ​​L & T Cattle & Timber đánh dấu một trong những thương vụ mua lại đất đai lớn nhất từng được biết đến của Trung Quốc tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

Vụ việc này được liên hệ với thương vụ một công ty con ở Hoa Kỳ của Tập đoàn Phụ Phong (Fufeng Group) – nhà sản xuất phụ gia thực phẩm lớn ở Trung Quốc có liên hệ với ĐCSTQ, gần đây đã mua 370 mẫu đất ở Grand Forks, North Dakota, và có kế hoạch xây dựng một nhà máy bắp tại đây.

Khu đất nông nghiệp này chỉ cách Căn cứ Không quân Grand Forks khoảng 12 dặm, nơi nghiên cứu công nghệ vệ tinh và chế tạo các thiết bị máy bay không người lái nhạy cảm. Việc này khiến Thống đốc DeSantis và các nhà lập pháp trên Đồi Capitol lo ngại về khả năng hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

“Tại sao họ [ĐCSTQ] lại làm điều đó? Tất nhiên, họ muốn có được thông tin tình báo; họ muốn biết ở Hoa Kỳ đang xảy ra những gì”, The Epoch Times dẫn lời ông DeSantis nói tại Đại học Miami Dade.

Cách thức thâm nhập Nhật Bản, Việt Nam

Việc Hoa Kỳ “thất thủ” ngay trên sân nhà trước kế hoạch thâm nhập của Bắc Kinh cho thấy, không ngạc nhiên khi điều này đã được Trung Quốc thực hiện thuần thục ở nhiều quốc gia khác.

Tại Nhật Bản, hồi tháng 12 năm 2020, một ủy ban giám sát thuộc Chính phủ Nhật Bản cho biết ít nhất 80 lô đất gần các căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này đã được bán cho các công ty nước ngoài, và phía gây lo ngại nhất là các đơn vị Trung Quốc.

Trong đó, một thương vụ đáng chú ý là việc một công ty Trung Quốc thâu tóm 8 hecta đất tại khu vực chỉ cách căn cứ Chitose của Lực lượng Phòng không Nhật Bản tại Hokkaido khoảng 3 km.

Năm 2016, một công ty Trung Quốc khác có kế hoạch mua 2,4 hecta đất trên đảo Taketomi thuộc quần đảo Okinawa (đảo Taketomi chỉ cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – đối tượng tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo khoảng 170 km).

Tờ SCMP dẫn lời một quan chức Nhật Bản nói rằng “chúng tôi bắt đầu giám sát các vụ mua bán từ 7 năm trước, nhưng tình hình trở nên đáng lo ngại hơn trong vài năm gần đây”. Sau đó, Nhật Bản gấp rút xây dựng một bộ quy tắc hoàn thành trước năm 2021, để kiểm soát các thương vụ mua bán tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, động thái này được cho là “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tại Việt Nam, việc các thực thể có yếu tố Trung Quốc thâu tóm đất đắc địa liền kề các khu quân sự, khu vực quân sự nhạy cảm là điều được bàn tán từ hàng chục năm trước. Nhưng sự phức tạp trong mối quan hệ địa chính trị với Bắc Kinh, nên Hà Nội không coi đây là một vấn đề cần được nhắc tới công khai thường xuyên. Dường như vấn đề này chỉ được bàn luận mang tính “thời điểm”, khi mà quan hệ Việt Nam – Trung Quốc căng thẳng trên Biển Đông.

Vào năm 2015, khi Trung Quốc khiến Biển Đông dậy sóng với hàng loạt khiêu khích hung hãn, một thông tin được cung cấp cho các tờ báo trong nước rằng, có dấu hiệu hàng loạt lô đất thuộc vệt biệt thự sát tường sân bay Nước Mặn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) lọt vào tay người Trung Quốc.

Vệt đất sát sân bay  Nước Mặn (Đà Nẵng), nơi TQ thâu tóm nhiều vị trí đất nhạy cảm với quân sự quốc phòng.
Vệt đất sát sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng), nơi TQ thâu tóm nhiều vị trí đất nhạy cảm với quân sự quốc phòng.

Giới chức Việt Nam sau đó nói chưa thể khẳng định toàn bộ 246 lô đất này là của các ông chủ giấu mặt người Trung Quốc, nhưng có việc người Trung Quốc núp bóng một số người Việt để mua đất trái quy định ngay sát tường khu sân bay quân sự.

Tháng 4 năm 2020, xảy ra vụ tàu hải cảnh Trung Quốc gây hấn, đâm chìm tàu cá Việt Nam, dẫn đến gia tăng căng thẳng ở Biển Đông giữa hai quốc gia. Một tháng sau, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam lên tiếng về việc các thực thể Trung Quốc mua đất tại các khu vực quan trọng trong phòng thủ.

Theo đó, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP. Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP. Đà Nẵng.

Đến hết tháng 11 năm 2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành.

Các doanh nghiệp sử dụng đất với tổng diện tích 162.467,7 ha (trong đó có 943,7 ha thuộc khu vực biên giới đất liền và 5.393,7 ha khu vực biên giới biển, kể cả mặt biển). Tổng vốn đầu tư các doanh nghiệp yếu tố Trung Quốc này rót vào là 30,872 tỷ USD.

Đáng chú ý trong báo này đề cập đến việc để sở hữu các lô đất, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức: thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để thâu tóm các vị trí đắc địa, gần các khu vực quân sự nhạy cảm…