Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một cầu tàu có khả năng chứa tàu sân bay tại căn cứ hải quân của nước này ở Djibouti, miền đông châu Phi.
Nikkei sáng sớm 27/4 đưa tin, diễn biến mới này cho phép Trung Quốc tăng cường sức mạnh ra bên ngoài Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Căn cứ ở Djibouti là căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc. Căn cứ nằm gần eo biển Bab-el-Mandeb, nối Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Đây là vị trí có tầm quan trọng về mặt chiến lược.
Trung Quốc xây căn cứ quân sự này vào năm 2017; với lý do là dùng để phục vụ công tác chống cướp biển ở ngoài khơi Somalia và ứng phó với các vụ tai nạn trên biển.
“Họ vừa mở rộng căn cứ bằng cách bổ sung một bến tàu quan trọng có thể hỗ trợ cả hàng không mẫu hạm của họ trong tương lai”, Tướng Stephen Townsend, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ, nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện vào tuần trước.
“Trên khắp lục địa, họ đang tìm kiếm các cơ hội khác để xây dựng căn cứ”, ông nói thêm.
“Họ thực sự có mặt ở khắp mọi nơi trên lục địa”, ông Townsend nói về Trung Quốc. “Họ đang đặt cược rất nhiều vào việc này.”
Theo báo cáo, căn cứ ở Djibouti hiện có khả năng tiếp nhận tàu tấn công đổ bộ Kiểu 075 mới của Trung Quốc. Con tàu này vừa đi vào hoạt động và sẽ sớm được triển khai ở Biển Đông.
Bến tàu mới của căn cứ Djibouti đủ lớn để có thể chứa các tàu sân bay của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có hai tàu sân bay, còn gọi là hàng không mẫu hạm. Một là tàu Liêu Ninh, được tân trang lại từ tàu chiến mua từ Ukraine. Hai là tàu sân bay Sơn Đông được sản xuất trong nước. Bắc Kịnh đang xây tàu sân bay thứ ba, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng vài năm tới.
Việc mở rộng căn cứ Djibouti của Trung Quốc diễn ra khi Mỹ, Nhật Bản và các đối tác đang thúc đẩy một khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Giới quan sát cho rằng Ấn Độ Dương đang trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Washington và Bắc Kinh.