Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất đầu tư 25 tỷ USD vào các nhà máy đóng tàu hải quân của nước này để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh sức mạnh với Trung Quốc, theo Nikkei.

Cộng đồng quốc phòng Mỹ đang lo ngại về năng lực sản xuất và bảo dưỡng tàu; trong bối cảnh Trung Quốc vừa thể hiện bước tiến về khả năng tự đóng tàu.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng trước đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự lễ vận hành 3 tàu hải quân ở phía nam đảo Hải Nam. Các tàu này là tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Trường Chinh 18, tàu khu trục Đại Liên và tàu tấn công đổ bộ Hải Nam.

Các nhà lập pháp từ cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã đề xuất dự luật mang tên SHIPYARD. Đây là chữ viết tắt cho tên đầy đủ là: Đạo luật Cung cấp Trợ giúp cho Cơ sở hạ tầng tại Cảng, Bãi và Bến tàu Sửa chữa của Mỹ năm 2021.

Đạo luật kêu gọi chi tiêu 25 tỷ USD; trong đó bao gồm 21 tỷ USD cho 4 nhà máy đóng tàu nhà nước và 4 USD tỷ cho các nhà máy đóng tàu tư nhân mà Hải quân sử dụng.

Ưu tiên của hải quân Mỹ

“Chúng tôi sẽ đầu tư đáng kể”, Chủ nhiệm Tác chiến của Hải quân Mỹ, Đô đốc Michael Gilday cho biết. “Đây là những khoản đầu tư mà cả thế kỷ mới có một lần dành các nhà máy đóng tàu. Tôi sẽ không bỏ qua cơ hội này, ít nhất là khi tôi còn làm Chủ nhiệm Tác chiến Hải quân. Đó phải là một ưu tiên”.

Ông cho biết ba ưu tiên hàng đầu của ông là chuẩn bị cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia thế hệ tiếp theo, hiện đại hóa các nhà máy đóng tàu lỗi thời và hệ thống vận tải đường biển chiến lược.

Hôm 5/5, Nikkei có bài báo nhận định quân đội Mỹ sẽ nhắm tới các tàu ngầm của Trung Quốc trong trường hợp hai bên xảy ra xung đột. Các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc nằm ở các vị trí được bao quanh bởi vùng nước nông; thay vì các vùng nước sâu như các căn cứ của Mỹ và các đồng minh châu Á. Như vậy, phía Mỹ và đồng minh có thể dễ dàng phát hiện và ngăn chặn các tàu ngầm Trung Quốc khi nó ra hoặc vào căn cứ của mình.

Từ Khóa: