Lầu Năm Góc hôm 1/9 đã công bố một báo cáo dài 200 trang về các hoạt động và kế hoạch quân sự của Trung Quốc. Trong phần đánh giá “Phương thức Cưỡng ép của Trung Quốc”, Lầu Năm Góc cho biết: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng các thủ đoạn chưa tới mức xung đột vũ trang để theo đuổi mục tiêu của Trung Quốc”.

Báo cáo nhận định Trung Quốc cố gắng điều chỉnh các hoạt động cưỡng ép này ở dưới mức xảy ra xung đột vũ trang với Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng: “Những thủ đoạn này đặc biệt rõ ràng trong việc Trung Quốc theo đuổi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ và hàng hải của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như dọc theo biên giới với Ấn Độ và Bhutan”.

Báo cáo cho biết, ở Biển Đông, lực lượng dân quân biển vũ trang của Trung Quốc “đóng vai trò chính trong các hoạt động cưỡng ép nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà không gây chiến”. Lầu Năm Góc chỉ rõ lực lượng dân quân này đã đóng vai trò quan trọng trong một số diến dịch quân sự và sự cố gần đây trong khu vực.

1209-screen-shot-2020-08-24-at-121127
Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu tuần duyên Việt Nam ở Biển Đông (ảnh chụp màn hình video được công bố trên Youtube năm 2011).

Báo cáo cũng nêu thông tin khái quát về các thành viên trong Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có 2 người từng tham gia vào cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979, gồm ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) – hiện là phó chủ tịch Ủy ban; và ông Lý Tác Thành (Li Zuocheng) – hiện giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương.

Lầu Năm Góc đánh giá: “Biển Đông đóng một vai trò quan trọng đối với các vấn đề an ninh trên toàn Đông Á vì Đông Bắc Á phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường biển chở dầu và hàng hóa ở Biển Đông, trong đó cung cấp hơn 80% lượng dầu thô đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan”.