Site icon MUC News

Ngân hàng đẩy phí tin nhắn SMS tới 77.000 đồng/tháng; “Giá xăng lại tăng mạnh”

Nhiều người đăng trên các diễn đàn sự việc bị trừ tiền tin nhắn ngân hàng với mức 55.000-77.000 đồng/tháng.

Phí SMS Banking tăng tới mức 77.000 đồng/tháng, cao gấp 7 lần tháng trước; giá xăng tăng mạnh từ chiều mai 21/2 khiến nhiều người bức xúc.

Ngân hàng đẩy phí tin nhắn SMS tới 77.000 đồng/tháng

Người dùng dịch vụ SMS Banking của Ngân hàng Vietcombank bất ngờ khi nhận thông báo bị trừ phí tháng 1/2022 với mức phí tăng gấp 5-7 lần so với tháng trước. Nếu tháng trước người dùng bị trừ 11.000 đồng/tháng, thì tháng đầu năm 2022, nhiều trường hợp bị thu 55.000-77.000 đồng/tháng.

Trả lời phản ánh khách hàng, phía tổng đài Vietcombank cho biết, đây là chính sách thu phí mới đã được ngân hàng thông báo thay đổi từ cuối năm 2021.

Theo tìm hiểu của Zing, nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh mức phí SMS Banking. Ví dụ, BIDV thay đổi từ mức 9.000 đồng/tháng cố định thành 9.000 đồng với 0-15 SMS/tháng; 30.000 đồng với 16-50 SMS/tháng; 55.000 đồng với 51-100 SMS/tháng và 70.000 đồng với 101 SMS trở lên/tháng.

Techcombank cũng tính phí SMS Banking theo số lượng tin nhắn ở mức 0-15 SMS/tháng tính phí 12.000 đồng; 16-30 SMS/tháng tính 18.000 đồng; 31-60 SMS/tháng thu phí 40.000 đồng và trên 61 SMS/tháng thu phí 75.000 đồng.

Trên các diễn đàn, hàng loạt người dùng đang rủ nhau hủy dịch vụ SMS Banking của các ngân hàng.

Ngày mai giá xăng tăng mạnh?

Ngày 11/2, mỗi lít xăng E5 RON tăng 980 đồng; RON 95 tăng 960 đồng. Qua đó, giá xăng đã vượt 25.000 đồng một lít với RON 95 và đánh dấu mức cao nhất từ tháng 8/2014.

Tuy nhiên, giá xăng nhiều khả năng tăng tiếp sau phiên điều chỉnh chiều 21/2. Cụ thể, theo VnExpress, lãnh đạo một đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho biết, chiều mai giá xăng sẽ tăng quanh mức 1.000-1.100 đồng một lít, còn dầu 800-900 đồng một lít.

Một lãnh đạo đầu mối xăng ở Hà Nội cho rằng, đây sẽ là lần tăng giá mạnh thứ năm liên tiếp khi các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như đại lý bán lẻ đang than thua lỗ nặng.

“Kỳ này mức trích Quỹ (nếu có) cũng không đáng kể vì doanh nghiệp đang thua lỗ. Do đó, giá xăng, dầu tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong 9 năm”, đại diện doanh nghiệp ở Hà Nội nói.

Cá tra được giá

Theo VOV, từ đầu tháng 2/2022, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp người nuôi cá tra có lợi nhuận hơn 5.000 đồng/kg.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng liên tục, từ mức 20.500 – 22.000 đồng/kg vào trước Tết Nhâm Dần lên 29.000 – 30.000 đồng/kg hiện nay nhưng cung không đủ cầu.

Nông dân miền Tây hy vọng cá tra giữ giá tốt trong năm 2022 (ảnh: Báo Chinhphu.vn).

Theo dự báo của Vasep, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm nay có thể sẽ đạt 1,9 – 2 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 1,6 tỷ USD của năm 2021.

Giá lúa gạo tăng trở lại nhưng nông dân vẫn không có lãi

Theo phản ánh của Thanh Niên, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vừa qua đạt gần 506.000 tấn, trị giá 246 triệu USD, tăng 45,4% về khối lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Vào mùa thu hoạch, nông dẫn vẫn ôm nhiều nỗi lo (ảnh: Báo Chinhphu.vn).

Tuy nhiên, nông dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chị K.T. Minh ở xã Tài Văn (Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết, mấy năm nay giá khá tốt nhưng lãi ít lắm vì chi phí phân thuốc tăng rất cao, lại thêm chi phí bơm tưới.

Năm nay, do bị phong tỏa nên việc chăm sóc lúa không được như mọi năm làm cho năng suất giảm 20 – 30% rồi thêm chuột bọ cắn phá. Hơn nữa phải qua nhiều khâu trung gian, môi giới; đến bán rơm cũng phải tốn tiền “cò”. Chính vì vậy mà nông dân trồng lúa năm nay ai hòa vốn đã là may mắn rồi.