Trong nhiều thế kỷ, phong cách nghệ thuật Byzantine đóng vai trò như một chiếc la bàn, định hướng lòng tin của những người sùng đạo, và cuối cùng dẫn dắt họ đến với sự cứu rỗi. Người nghệ sĩ Byzantine vẽ theo một phong cách đặc trưng, một ngôn ngữ trực quan, nếu bạn muốn nói như vậy — mà những người theo Chính thống giáo đều hiểu. “Vai trò của họ tương tự như vai trò của linh mục và việc vận dụng tài năng của họ là một dạng phụng vụ — phụng vụ theo nghĩa gần như là bí tích — hơn là chức năng giáo huấn,” như được nêu trong cuốn sách “The Oxford Companion to Art.”
Mỗi phần trong phong cách nghệ thuật Byzantine đều đưa người sùng đạo đến gần hơn với Chúa. “Cách sắp đặt các bức tranh khảm hay họa phẩm trong nhà thờ, việc lựa chọn chủ đề, ngay cả tư thế và biểu cảm của các nhân vật, đều được xác định dựa theo một sơ đồ truyền thống có trách nhiệm mang ý nghĩa thần học.”
Nghệ thuật để hồi thăng
Tại Tu viện Thánh Catherine, dưới chân núi Sinai ở Ai Cập, du khách có thể chiêm ngưỡng một biểu tượng đáng chú ý của thế kỷ 12 đại diện cho nghệ thuật Byzantine, tác phẩm: “The Ladder of Divine Ascent” (Chiếc Thang Thăng Thiên). Các nghệ sĩ Byzantine tạo nên tác phẩm này để nhắc nhở các tu sĩ Chính thống giáo rằng, cần thường xuyên cảnh giác để chiến thắng cái ác, và giữ sự ngay chính cần thiết để lên thiên đàng.
Tác phẩm nghệ thuật này dựa trên văn bản Cơ Đốc Giáo Chính thống của Thánh John Climacus “The Ladder of Divine Ascent” (Chiếc Thang Thăng Thiên), được ông viết vào khoảng năm 600 sau Công Nguyên như một hướng dẫn cho những người tu khổ hạnh. Văn bản này mô tả 30 giai đoạn hoàn thiện cảnh giới tinh thần như mỗi bậc thang trên chiếc thang dẫn đến sự cứu rỗi (theosis: một quá trình biến đổi có mục đích giống hoặc đồng nhất với Chúa). Thánh John tuyên bố ở bậc thang thứ chín rằng: “Những đức hạnh thánh thiện giống như chiếc thang của Jacob [trong Kinh Cựu Ước]. Vì những đức hạnh này, sẽ dẫn từ đức hạnh này đến đức hạnh khác, đưa người lựa chọn chúng lên Thiên đàng.”
Các tín đồ Cơ Đốc giáo Chính thống thường đọc văn bản này trong Mùa Chay Lớn, trước lễ Phục Sinh của Chính thống giáo, rơi vào ngày 16/04 năm nay.
Trong biểu tượng này, một dòng các tu sĩ chắp tay cầu nguyện, leo lên chiếc thang để gặp Thiên Chúa trên thiên đàng. Một nhóm tu sĩ trên mặt đất dõi theo khi một số đồng môn của họ không chịu nổi những nguy hiểm có thể xảy ra khi họ dấn thân vào hành trình thăng thiên đầy gian khổ. Các thiên thần trên trời là hiện thân của đức hạnh và khích lệ các tu sĩ, trong khi hàng loạt những con quỷ u ám với những cái đuôi thú tính cố gắng dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo các tu sĩ lạc lối. Một trong số chúng bắn những mũi tên, trong khi những con quỷ khác dùng thòng lọng trói các mục tiêu của chúng. Những con quỷ này cũng tượng trưng cho những tội lỗi như dục vọng, sân hận, và tham ăn, thậm chí có thể kéo những người sùng đạo ra khỏi sứ mệnh thiêng liêng của họ.
Khi các tu sĩ leo lên mỗi bậc thang, họ phải tu dưỡng một đức hạnh cụ thể để vượt qua từng thói xấu. Ác quỷ vẫn rình rập ngay cả khi thử thách của các tu sĩ khi đến gần thiên đường càng trở nên khó khăn hơn. Một linh hồn đáng thương đến gần Thiên Chúa nhưng vẫn phạm tội, bị rớt xuống địa ngục. Những kẻ sa ngã rơi vào cửa địa ngục thường được miêu tả như một con rồng trong các loại tranh biểu tượng, thể hiện trong tác phẩm này là một cái đầu quái dị nuốt chửng một trong những tu sĩ sa ngã.
Vinh quang đang chờ đợi những tu sĩ khải hoàn, khi Thiên Chúa trên thiên đàng chào đón họ với phước lành ở đỉnh chiếc thang. Họ đã chiến thắng những cám dỗ trần thế, và ở bậc thang cuối cùng thể hiện ba đức hạnh tối cao: đức tin (pistis), hy vọng (elpis), và hình thức cao nhất của tình yêu, lòng từ bi (agape).
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times