Site icon MUC News

Nghe tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh, biết trước vận mệnh gia tộc bị diệt vong

Bức “Hoa Lam Đăng” trong sách “Thăng bình nhạc sự đồ”vẽ vào thời nhà Thanh (ảnh: Tài sản công).

Vào Thời Xuân Thu, đại phu nước Tấn là Thúc Hướng muốn cưới một cô gái xinh đẹp làm vợ, nhưng mẫu thân của ông cự tuyệt mối hôn sự này. Nguyên nhân là bởi vì mẫu thân của cô gái là Hạ Cơ, một người phụ nữ xinh đẹp có tiếng “Sát tam phu nhất quân nhất tử, vong nhất quốc lưỡng khanh” (hại chết ba người chồng, một vị Vua, một người con trai, làm diệt vong một quốc gia và hai vị đại khanh). Nhưng dưới sự can thiệp của Tấn Bình Công, Thúc Hướng cuối cùng vẫn cưới được cô con gái này của Hạ Cơ, hai vợ chồng ông sinh được một người con trai tên là Dương Thực Ngã.

Dương Thực Ngã lúc vừa mới ra đời, mẫu thân của Thúc Hướng đến nhìn xem. Mới vừa đi đến bên ngoài phòng sinh, bà chợt giật mình vì nghe thấy tiếng khóc của đứa bé mới sinh giống như tiếng lang sói vậy. Lúc này bà đã biết trước được rằng, họa diệt môn của gia tộc chính là từ đứa bé này đưa tới…

Từ tiếng khóc của đứa bé, hồi tưởng lại chuyện của ba đời người, gợi mở cho chúng ta thấy được những gì?

Dương Thiệt Hất, tự Thúc Hướng, là đại phu nước Tấn, xuất thân danh môn quý tộc từ dòng tộc Dương Thiệt. Vào một năm nọ, Thúc Hướng muốn cưới một cô gái xinh đẹp làm vợ. Nhưng phụ mẫu của cô gái ấy là Vu Thần và Hạ Cơ, mẫu thân của Thúc Hướng phản đối mối hôn sự này, đồng thời giải thích nguyên nhân mình phản đối cho con trai nghe.

Hạ Cơ trong “Bách mỹ nhân vịnh đồ truyện” (ảnh: Wang Hui/Wikimedia Commons).


Mẫu thân của Thúc Hướng nói: “Thê tử của Vu Thần là Hạ Cơ từng khắc chết ba người chồng, một vị quốc quân và con trai của mình, còn khiến một quốc gia diệt vong, hai vị Khanh đại phu phải lưu vong. Chẳng lẽ những điều này còn không thể khiến cho con lấy đó mà làm gương hay sao?”

Hạ Cơ dung mạo xinh đẹp, khuynh quốc khuynh thành. Rất nhiều công hầu mê mẩn điên đảo vì nàng. Biết bao quý tộc vì sắc đẹp của nàng mà tranh đoạt không ngớt. Hạ Cơ cậy vào sắc đẹp của mình, dâm loạn vô độ, từng thông gian với vài vị đại phu của mấy nước. Phàm là đàn ông có liên quan đến nàng thì đều gặp phải nhiều bất trắc.

Theo chú giải quyển thứ 52 của “Tả Truyện Chính Nghĩa”, Hạ Cơ “sát tam phu”, sát ở đây có nghĩa là khắc. Hạ Cơ đã khắc chết ba người chồng của mình, đó là Hạ Ngự Thúc, Liên Doãn Tương Lão và Vu Thần. Sau khi Hạ Ngự Thúc qua đời, Hạ Cơ đã cùng với Trần Linh Công, Công Tôn Ninh, Nghi Hàng Phụ, vua – tôi ba người thông gian. Con trai của Hạ Cơ là Hạ Trưng Thư không thể nhịn được, vì vậy bắn chết Trần Linh Công, rồi tự lên làm vua, nước Trần vì thế mà tiêu vong. Công Tôn Ninh, Nghi Hàng Phụ đành chạy trốn sang nước Sở. Dưới sự khẩn cầu của hai người Công Tôn Ninh và Nghi Hàng Phụ, Sở Trang Vương xuất binh chinh phạt nước Trần. Cuối cùng Hạ Trưng Thư bị cực hình ngũ xa phanh thây mà chết.

Sự kiện loạn Hạ Trưng Thư của nước Trần, nước Sở phạt nước Trần, đều bởi vì Hạ Cơ mà gây nên. Trong những người đàn ông có liên quan đến nàng, Tử Man chết sớm, người chồng Hạ Ngự Thúc bị khắc chết, Trần Linh Công bởi vì nàng mà chết, con trai của nàng là Hạ Trưng Thư cũng bị ngũ xa phanh thây mà chết. Còn Tử Hạc là huynh trưởng của Hạ Cơ, chết khi còn trẻ không có người nối dõi. Đối với cái chết của Tử Hạc, mẫu thân của Thúc Hướng nói rất không rõ ràng. Về sau có học giả đã suy luận rằng, Tử Hạc và Hạ Cơ loạn luân, làm cho Tử Hạc túng dục quá độ mà chết trẻ.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Nữ Hiếu Kinh” của triều Đường cho rằng việc “Sát tam phu nhất quân nhất tử, vong nhất quốc lưỡng khanh” của Hạ Cơ là tội ác tột cùng.

Để cảnh tỉnh con trai, mẫu thân của Thúc Hướng lại nêu ra hai ví dụ, khẳng định sắc đẹp không chỉ đưa tới tai họa, còn khiến cho gia tộc đoạn tử tuyệt tôn.

Mẫu thân của Thúc Hướng nói: “Huyền Thê thời nhà Hạ vô cùng xinh đẹp, nàng vì bộ lạc Hữu Nhưng thị sinh hạ một người con trai tên là Bá Phong. Song Bá Phong hung tàn bạo ngược vô độ. Về sau, vì Bá Phong ủng hộ Trọng Khang (vị quân chủ thứ 4 của triều Hạ) lên ngôi, bị Hậu Nghệ giết chết, từ đó bộ tộc Hậu Quỳ tuyệt hậu. Huyền Thê cũng bị Hậu Nghệ chiếm lấy.”

“Một ví dụ khác là Ly Cơ. Thân Sinh là con trai trưởng của Tấn Hiến Công, mẹ là Tề Khương – con gái của Tề Hoàn Công. Thân Sinh đã được lập làm Thái Tử nước Tấn từ rất sớm. Tấn Hiến Công có một sủng phi tên gọi là Ly Cơ. Ly Cơ sinh ra một người con trai tên là Hề Tề. Ly Cơ muốn phế bỏ Thân Sinh để lập Hề Tề làm Thái Tử. Để thực hiện việc này, Ly Cơ đã thông gian với sủng thần của Tấn Hiến Công là Ưu Thi, đồng thời hạ độc vào trong thức ăn mà Thân Sinh dâng cho Tấn Hiến Công, dùng chiêu này để hãm hại Thân Sinh. Có người khuyên Thân Sinh thanh minh cho bản thân, vạch trần âm mưu của Ly Cơ. Nhưng Thân Sinh không muốn để cho Ly Cơ chịu hình phạt, cũng không muốn phụ thân tuổi cao ăn ngủ không yên. Thân Sinh không chịu thanh minh cho chính mình, cuối cùng treo cổ tự vẫn.”

Mẫu thân của Thúc Hướng lấy mấy câu chuyện khốc liệt có thật trong lịch sử để khuyên can con mình không được mê luyến sắc đẹp, nhằm tránh rơi vào kết cục tuyệt tự. Bà hỏi Thúc Hướng: “Con suy nghĩ một chút xem phải làm thế nào? Vẻ xinh đẹp đủ để làm thay đổi tính tình của một người. Mà một người nếu phẩm hạnh chính nghĩa không đủ, cưới một người mỹ sắc tất gặp tai họa.” Thúc Hướng nghe lời của mẫu thân, trong lòng cảm thấy rất sợ hãi, thế là từ bỏ ý muốn cưới con gái của Hạ Cơ làm vợ.

Thế nhưng tạo hóa trêu ngươi. Về sau hôn sự của Thúc Hướng bị Tấn Bình Công can thiệp, ép buộc Thúc Hướng cưới con gái của Hạ Cơ, sau đó sinh ra con trai là Dương Thực Ngã (họ Dương Thiệt, tự Bá Thạch).

Khi Dương Thực Ngã vừa mới ra đời, chị dâu của Thúc Hướng báo cho mẹ chồng biết tin, nói rằng: “Thê tử của Thúc Hướng đã sinh hạ một cậu con trai.” Vì thế mẫu thân của Thúc Hướng đi qua xem. Khi bà vừa đi tới gian nhà chính, sau khi nghe được tiếng khóc của đứa bé, bà lập tức xoay người trở về. Bà nói: “Đây là tiếng của sài lang đấy. Là người lòng lang dạ thú. Nếu không phải là nó, vậy thì sẽ không có người nào khác có thể khiến cho gia tộc Dương Thiệt bị diệt vong.” Về sau, bà không bao giờ thăm hỏi đến đứa cháu này nữa.

Sau khi Dương Thực Ngã trưởng thành, kết bạn thân thiết với Kỳ Doanh, đồng thời giúp gia tộc Kỳ thị làm loạn. Mùa hè năm Chiêu Công thứ 28, Tấn Khoảnh Công giết Kỳ Doanh, Dương Thực Ngã là đồng đảng với Kỳ Doanh nên cũng bị xử tử, vì vậy gia tộc Kỳ thị, Dương Thiệt thị đều bị diệt.

Mẫu thân của Thúc Hướng vô cùng sáng suốt, có thể lấy sử làm gương, khuyên can con trai không nên cưới con gái của Hạ Cơ làm vợ. Nhưng tiếc thay tạo hóa trêu ngươi, không thể ngăn cản mối nhân duyên này. Một phần bức tranh “kim đỉnh hòa mỹ đồ” do Cải Kỳ triều Thanh vẽ (ảnh: Tài sản công).

Mẫu thân của Thúc Hướng vô cùng sáng suốt, có thể lấy sử làm gương, khuyên can con trai không nên cưới con gái của Hạ Cơ làm vợ. Nhưng tiếc thay tạo hóa trêu ngươi, không thể ngăn cản mối nhân duyên này. Và sau khi cháu trai vừa sinh ra đời, bà đã có thể đoán biết tương lai. Mặc dù chưa một lần nhìn thấy mặt, chỉ nghe tiếng khóc của cháu trai mà bà đã biết trước được rằng vận mệnh của gia tộc sẽ bị diệt vong. Có lẽ lúc đó trong nội tâm của bà cảm khái vô hạn rằng: Vận mệnh là do Trời định, sức người không thể nào ngăn chặn được.

Tài liệu tham khảo: “Tả truyện – Chiêu Công nhị thập bát niên”; “Quốc ngữ – Sở ngữ thượng” – quyển 17; “Liệt nữ truyện – Trần nữ Hạ Cơ” – quyển 7; “Tả truyện chính nghĩa” – quyển 52; “Sử ký” – quyển 2.

Vương Cận biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ