Hai công dân Trung Quốc đã thiệt mạng và một số người khác bị bắt cóc trong một cuộc tấn công vào một trại khai thác mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo phát ngôn viên của quân đội Congo hôm 25/11, vụ tấn công này do lực lượng dân quân Hợp tác xã Phát triển Congo (CODECO) thực hiện.
Reuters ngày 25/11 đưa tin, một lãnh đạo địa phương và một lãnh đạo xã hội dân sự đã xác nhận cái chết của 2 công dân Trung Quốc. Họ nói rằng 8 người Trung Quốc khác đã mất tích sau vụ tấn công hôm 24/11. Họ cáo buộc CODECO đã phát động cuộc tấn công.
Vụ tấn công diễn ra ở Djugu, tỉnh Ituri, nơi người Trung Quốc tham gia khai thác vàng không chính thức.
Trung úy Jules Ngongo, phát ngôn viên của quân đội Ituri, cho biết: “Chúng tôi xác nhận rằng các thành viên CODECO đã tấn công một địa điểm trên lãnh thổ Jugu. Họ cũng tấn công một căn cứ của những người anh em Trung Quốc của chúng tôi. Thật không may, họ đã giết hai người trong số họ và bắt cóc những người khác.”
Trước đó, ngày 21/11, Reuter đưa tin rằng, các tay súng đã giết một cảnh sát và bắt cóc 5 công dân Trung Quốc gần một khu mỏ ở Đông Nam Congo.
Trung Quốc nhòm ngó khai thác tài nguyên bất chấp nguy hiểm
Ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, một số nhóm vũ trang thường tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên địa phương, bao gồm M23, nhóm vũ trang Mai-Mai và nhóm nổi dậy Lực lượng Dân chủ Giải phóng Luanda (FDLR).
Về phía Liên hợp quốc, tổ chức này cho biết kể từ năm 2017, nhiều cuộc tấn công của CODECO đã giết chết hàng trăm thường dân ở khu vực Djugu và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Vào tối ngày 21/11, dân thường di tản ở khu vực Jugu đã bị tấn công khiến khoảng 20 người thiệt mạng. Chính phủ cũng quy trách nhiệm cho CODECO về vụ tấn công.
Các chiến binh của CODECO chủ yếu đến từ bộ tộc Lendu vốn có mâu thuẫn với bộ tộc Hema trong một thời gian dài.
Ở Pakistan và các quốc gia khác đều có những cuộc nổi dậy lan tràn. Và công nhân Trung Quốc thường là mục tiêu của các vụ bắt cóc và tấn công.
Bất chấp nguy hiểm, các công ty Trung Quốc vẫn chọn Congo và các quốc gia châu Phi khác để hợp tác nhằm tìm kiếm đất hiếm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nicolas Kazadi nói với Reuters ngày 27/8: Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo đang xem xét lại thỏa thuận “cơ sở hạ tầng cho khoáng sản” trị giá 6 tỷ USD với các nhà đầu tư Trung Quốc. Đây được coi như một phần của cuộc kiểm tra rộng rãi hơn đối với các hợp đồng khai thác.
Gần đây người Trung Quốc trở thành mục tiêu tấn công của các phong trào nổi dậy. Hầu hết nguyên nhân đến từ việc Trung Quốc khai thác tài nguyên của nước sở tại. Vụ việc dẫn tới thiệt mạng và mất tích của người Trung Quốc ở Congo chỉ là một trong những việc đang được báo cáo. Hiện chưa có số liệu chính xác về số người Trung Quốc mất tích trong vụ việc này.