Nhà máy của Công ty Cổ phần xử lý rác thải Bến Tre phải đóng cửa từ ngày 20/10 để xử lý 100.000 tấn rác tồn đọng trong 4 năm qua.

Tổng thời gian nhà máy đóng cửa là 7 tháng rưỡi; đồng thời công ty còn bị phạt 510 triệu đồng.

Nhà máy xử lý rác thành núi rác khổng lồ ở miền Tây

Theo báo Pháp luật TP. HCM, nhà máy của công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre được xây dựng tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành trên diện tích 3,81ha. Nhà máy được khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công. Tuy nhiên tính đến nay đã hơn 4 năm trễ hẹn, dù đã nhiều lần xin gia hạn và cam kết với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tiến độ thực hiện dự án nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý rác hoàn chỉnh.

Những năm qua, hàng ngày có hàng trăm tấn rác thải được đổ về nhà máy và không được xử lý triệt để. Từ chỗ được hy vọng là nơi xử lý rác thải hiện đại, nhà máy rác thải Bến Tre đã thành “núi rác miền Tây” khiến người dân trong vùng sống khổ sở, nhiều bức xúc.

Người dân nhiều xã sống cùng nước rác thải

VnExpress cho biết, theo thiết kế, nhà máy có thể tiếp nhận 200 tấn rác thải mỗi ngày. Tuy nhiên, quá trình vận hành nơi đây chỉ xử lý được khoảng 40% công suất. Sau 4 năm, lượng rác tồn đọng gần 100.000 tấn.

Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải, khí thải của nhà máy hoạt động chưa hiệu quả, tro xỉ chưa được thu gom. Tại khu vực bãi chứa, rác chưa được xử lý bốc mùi hôi, nước rỉ chảy ra ngoài ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Hàng chục hộ đã nhiều lần gửi đơn phản ánh đề nghị nhà máy khắc phục ô nhiễm, nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý.

Một góc bãi rác ở nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (ảnh chụp màn hình VnExpress).
Một góc bãi rác ở nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (ảnh chụp màn hình VnExpress).

Cụ thể, tạp chí Kinh tế môi trường cho biết, vào mùa mưa, nước từ bãi rác chảy xuống kênh công cộng ảnh hưởng môi trường nước trên diện rộng. Ông Phạm Công Tống, Bí thư xã Phú Hưng, TP. Bến Tre cho biết thêm: “Nhà máy xử lý rác nằm trên địa bàn giáp ranh với xã Phú Hưng, ô nhiễm môi trường, mùi hôi đến địa bàn xã Phú Hưng. Nguồn nước bị ảnh hưởng cả khu vực xã Phú Hưng, Hữu Định chứ không chỉ xã Phú Hưng”.

4 tháng trước, chính quyền Bến Tre đã ra “tối hậu thư” yêu cầu đến cuối tháng 7 nhà máy phải hoàn thiện các hạng mục còn dang dở và giải quyết tình trạng ô nhiễm kể trên. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn song chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục.