Nhà nghiên cứu Trung Quốc bị Mỹ bắt vì chuyển trộm dữ liệu nhạy cảm về nước
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (ảnh: Wikimedia Commons).

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ công dân Trung Quốc Lei Guan (29 tuổi), ở Alhambra, California sau khi người này ném một ổ cứng đã bị làm hỏng vào thùng rác bên ngoài căn hộ của mình hồi tháng 7. Ông Guan là nhà nghiên cứu tại ĐH California ở Los Angeles, bang California.

“Guan đang bị điều tra vì tình nghi chuyển giao phần mềm hay dữ liệu kỹ thuật nhạy cảm của Mỹ cho Đại học công nghệ quốc phòng Trung Quốc”, Bộ Tư pháp nói trong thông báo.

Bộ Tư pháp cũng cáo buộc ông Guan đã nói dối về mối quan hệ giữa mình với quân đội Trung Quốc trong đơn xin thị thực và các cuộc phỏng vấn với các đặc vụ liên bang.

Theo bản khai của FBI, Guan đã nói dối số lượng ổ cứng và thiết bị lưu trữ kỹ thuật số mà anh ta có trong lần đầu lấy lời khai vào tháng trước. Nhiều ngày sau, Guan tìm cách đáp chuyến bay đến Trung Quốc nhưng bị giới chức Mỹ ngăn cản. Sau đó, các nhân viên FBI phát hiện Guan đi quanh khu nhà và ném ổ cứng vào thùng rác. Ổ cứng đã bị phá hủy một cách có chủ ý và tất cả dữ liệu đã bị xóa “có chủ ý và bằng vũ lực”, SCMP đưa tin.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc ra hầu tòa lần đầu tiên hôm 28/8. Phiên tòa xét xử tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/9. Theo luật liên bang Mỹ, ông Guan có khả năng phải đối mặt với bản án tối đa là 20 năm tù giam cho tội danh tiêu hủy chứng cứ.

Trước đó, hồi tháng 7, Mỹ đã bắt nhà nghiên cứu Trung Quốc Tang Juan, 37 tuổi, làm việc tại Đại học California-Davis, bang California. Theo hồ sơ được FBI trình lên tòa án tại San Francisco hôm 20/7, Tang bị buộc tội gian lận thị thực và che giấu vai trò trong quân đội Trung Quốc. Tang cũng được cho là ẩn náu trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco trong vài tuần trước khi bị bắt.

Phát biểu hồi đầu tháng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc Washington “theo dõi, quấy rối và cố tình bắt” các sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ.