Sự thật về ‘bệnh nhân’ trong video dạng ‘Nhà tôi 3 đời chữa…’ kêu khổ vì ‘u xơ cổ tử cung, 6 năm lấy chồng không có con’ vừa bị khui ra trong một phóng sự điều tra của Thời sự toàn cảnh VTV.

Trong video đăng trên Youtube, người bệnh xuất hiện với cơn đau vì u xơ cổ tử cung, kể về nỗi khó nhọc khi 6 năm lấy chồng không có con. Hạnh phúc chỉ đến với chị sau khi dùng một loại thuốc viên nén với 2 liệu trình. Câu chuyện có thể làm xiêu lòng rất nhiều người xem đồng cảnh ngộ. Nhưng những hình ảnh hậu trường cho thấy, đây chỉ là một màn diễn.

Cơn đau do u xơ tử cung chỉ là làm theo đạo diễn.

Không đau bụng, cũng chẳng bị u xơ tử cung dẫn đến khó mang bầu, ngay đến cái tên tự giới thiệu cũng không phải của mình; ngoài đời ‘bệnh nhân’ này là một phụ nữ thuận lợi về đường con cái. Ở một chia sẻ khi tưởng không bị lên hình, chị này thật thà kể mình có hai đứa con, một bé 10 tuổi, một lên 6. Không hiểu, vì lý do gì, tiền hay lợi ích khác, người phụ nữ này tự nguyện nhận mình là người hiếm muộn để lấy trọn lòng tin của người xem.

“Bệnh nhân” mà nhiều người xe tưởng thật chỉ là diễn theo kịch bản…
Song ở phần trò chuyện hậu trường, người phụ nữ (che mặt) nói chị không hề hiếm muộn. Chị đã có 2 đứa con.

Để có sự thuyết phục với khán giả, nhóm ê kíp quay phim đã chuẩn bị cả những giấy tờ siêu âm, sổ khám bệnh y như thật để lên hình. Tất nhiên, đó đều là giả. Bi hài là khi đến trường quay, nhóm phát hiện ra những giấy tờ này chưa có được chữ ký giả danh bác sĩ. Vậy là một thành viên đoàn quay lôi bút ra ‘tác nghiệp’ ký nhoay nhoáy; và chỉ loáng sau, những tờ giấy lộn đã được hợp thức hóa thành bệnh án bằng chữ ký của bác sĩ mạo danh. Cứ thế, những ‘diễn viên’ khóc – cười – nói để tròn vai; và không ngại ngùng về sự dối trá của mình.

Màn ‘chế biến’ bệnh án giả của nhóm ê kíp quay video.
Tất cả để khán giả tin rằng, đây là các bệnh nhân thực sự (ảnh chụp màn hình VTV).

‘Nhà tôi ba đời làm truyền thông mà cũng không biết phải gọi những thước phim sản xuất theo kiểu này sẽ được gọi là gì? Là quảng cáo, hay là tin giả? Nếu xét về góc độ quảng cáo, thì đó cũng là một dạng đột biến nhưng sẽ tùy biến với đối tượng khán giả. Bởi người làm quảng cáo thì muốn người xem tin rằng đó là những tin tức, là những điều chân thực nhất. Nhưng nếu lỡ rơi vào mắt của cơ quan quản lý thì họ lại hy vọng đó sẽ là clip quảng cáo’, MC Việt Hoàng của VTV bình luận (xem phóng sự điều tra tại đây).

Nguyên nữ Vụ trưởng bị đăng hình bán ‘kem bôi nở ngực’

Trong bài phản ánh đăng ngày 5/4, báo Tuổi Trẻ cho biết, nhiều người có uy tín ở ngành y đã thành nạn nhân của video quảng cáo ‘nhà tôi 3 đời chữa’, ‘thần y’, ‘thần dược’.

Đang đương chức Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhưng ông Nguyễn Thanh Phong cho hay, chính ông cũng từng bị đội ngũ bán thuốc thông qua gọi điện quảng cáo, gọi điện mời mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc phạm vi Cục này quản lý.

Còn GS Nguyễn Thanh Liêm – chuyên gia về nhi khoa, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, thì bị sử dụng ảnh chụp và gắn một cái tên ‘trời ơi’ vào để quảng cáo trên mạng.
PGS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), bị một nhóm đơn vị quảng cáo đã sử dụng ảnh và tên của bà Hồng (ghi rõ là Lưu Thị Hồng nhưng nhập nhèm đơn vị bà Hồng làm việc là Trung tâm y học cổ truyền) để quảng cáo loại “kem bôi nở ngực” và “kem uống nở ngực” giá 360.000 – 850.000 đồng/sản phẩm.

Bà Hồng kể: ‘Có đến hàng chục mẫu quảng cáo kiểu này, mỗi mẫu sử dụng một ảnh khác nhau nhưng tên trên quảng cáo đều là tên tôi. Chúng tôi đã gọi cho đơn vị quảng cáo sản phẩm có ghi trên mạng xã hội, thậm chí nhắn tin vào số điện thoại và tin nhắn trên fanpage của họ thì họ xóa tin ngay hoặc trả lời rằng không biết tôi là ai’.

Một đơn vị chuyên truyền thông chính thống cho thuốc chữa bệnh nói với Tuổi Trẻ rằng, có rất nhiều hình thức mà những người làm quảng cáo ‘nhà tôi 3 đời’ đánh lừa người tiêu dùng. Có khi họ dùng ảnh chụp các phóng viên của VTV hoặc cơ quan thông tấn, báo chí lớn rồi dùng biện pháp kỹ thuật gắn tên sản phẩm vào ảnh, kiểu như bài báo đó đang nói về sản phẩm của họ; có khi họ dùng tên, ảnh của giáo sư, bác sĩ uy tín bằng chiêu ảnh bác sĩ thì gắn tên khác, tên bác sĩ thì gắn ảnh khác…, từ đó đánh lừa những người không biết hoặc không tìm hiểu kỹ. Từ chiêu này, họ bán những sản phẩm bình thường, thậm chí chất lượng kém, với giá cao.