Sau thời gian dài chống chọi bệnh tật, chiều 20/3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời trong vòng tay của con cháu tại nhà riêng ở Hà Nội.

Con trai cả của nhà văn – anh Nguyễn Phan Bách cho biết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 chiều 20/3, thọ 71 tuổi. Con út nhà văn, anh Nguyễn Phan Khoa nói, ông bị tai biến, từ lâu không nói được, nên chẳng thể dặn dò gì. Hiện gia đình cùng các bằng hữu văn chương đang lo đám tang cho nhà văn.

Dẫu biết Nguyễn Huy Thiệp bệnh trọng, mệt nặng từ lâu, nhưng tin tác giả Tướng về hưu qua đời vẫn khiến bạn bè và người mến yêu tài năng của ông tê tái. Họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng – bạn thân, người gắn bó với Nguyễn Huy Thiệp từ khi nhà văn mới từ miền núi Tây Bắc về Hà Nội bảo không thể viết được gì vào lúc này. Hàng loạt văn nghệ sĩ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bảo Sinh, Lê Thiết Cương… đăng những dòng từ biệt. Nhiều tờ báo có danh tiếng ở Việt Nam đặt bản tin ông qua đời lên trang nhất.

Tờ Tuổi Trẻ đăng tin ông mất với dòng tiêu đề: ‘Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, văn đàn Việt Nam ‘lòng buồn không tả nổi’. Bản tin cho hay, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra cùng gia đình tổ chức tang lễ cho nhà văn, dự kiến tại Nhà tang lễ quốc gia.

Trong vòng 40 năm qua, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn Việt Nam nổi tiếng nhất. Trước khi là một nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp từng có 10 năm dạy học ở Tây Bắc. Về Hà Nội, ông làm nhiều nghề để kiếm sống, nuôi gia đình. Năm 1986, Nguyễn Huy Thiệp đăng truyện ngắn Tướng về hưu, tạo tiếng vang lớn, nhưng bản thân ông cũng chịu áp lực dữ dội từ nhiều phía. Ông trở thành một hiện tượng văn đàn từ đó.

Với bút lực mạnh mẽ, ông thành công đặc biệt ở mảng truyện ngắn. Các truyện ngắn nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp có thể kể đến Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Giọt máu, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết… Ông là một trong số ít nhà văn đương đại của Việt Nam được dịch tác phẩm ra nước ngoài, được bạn đọc quốc tế đón nhận.

Gác bút nhiều năm nay, Nguyễn Huy Thiệp chọn một cuộc sống bình dị, bên những người thân. Có điều kiện gặp gỡ báo giới, ông vẫn cởi mở chia sẻ quan niệm của mình về việc viết và sống. Ông quan niệm văn chương phải gần với đạo đức.

Trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Nhân Dân, Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ rằng: “Tôi muốn nhắc lại câu nói của mẹ Terêsa: “Tôi chỉ là cây bút trong tay thượng đế”. Thời cuộc mượn tôi thôi. Tôi ngẫm ra nghề văn là nghề phải tu luyện Chân – Thiện – Mỹ, Chân – Thiện – Nhẫn, mình viết một cách chân thực, thiện tâm, nhẫn chịu và luôn hướng về cái đẹp thì đi đâu cũng gặp được người tử tế và hiểu mình. Đừng sợ mọi người không hiểu mình. Trong những năm tháng viết văn mặc dù tôi cũng làm nhiều điều rồ dại, nhưng nhìn chung tôi cũng gây được cảm hứng được với văn đàn Việt Nam’.