Metro Bến Thành – Suối Tiên hay Nhổn – Ga Hà Nội hao tốn tiền của, công sức và cả kỳ vọng của rất nhiều người; trong khi liên tục lập kỷ lục đội vốn và thời gian trễ hẹn.

Metro Bến Thành – Suối Tiên đội vốn gần 30 nghìn tỷ đồng

Tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Metro Bến Thành – Suối Tiên) được kỳ vọng là tuyến metro hiện đại đầu tiên tại TP. HCM, được phê duyệt năm 2008. Tuy nhiên, đến nay, sau 14 năm thực hiện, dự án vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành và dự kiến tới năm 2028 mới kết thúc. Bên cạnh đó, dự án này bị đội vốn quá lớn, từ 17.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.

Đội vốn gần 30 nghìn tỷ đồng trong khi đến nay, dự án mới đạt 88,5% khối lượng. Nói về thực trạng này, tờ VietnamFinance dẫn nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đội vốn trong các dự án hạ tầng giao thông là điều thông thường, thế nhưng dự án vượt từ 50 đến 90% so với tổng mức đầu tư ban đầu thật khó chấp nhận.

Nguyên nhân đội vốn của tuyến metro này, phía Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR – chủ đầu tư dự án), biện giải rằng, đó là do sự biến động giá của nguyên và nhiên liệu; cùng với đó là hàng loạt ‘sự tăng’ không tính trước được như: tăng lương tối thiểu; tăng khối lượng xây dựng dự án; tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga; thay đổi tỷ giá; tăng tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá và lạm phát nhiều năm qua; tăng chi phí bồi thường…

Diện mạo tuyến Metro số 1 vào tháng 1/2022 (ảnh: tphcm.chinhphu.vn).

Tàu điện ngầm Sài Gòn đội vốn gần 20 nghìn tỷ

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành – Tham Lương, được phê duyệt tháng 10/2010, song theo báo cáo của TP. HCM, thời gian đưa vào khai thác dự kiến phải tới năm 2030.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là hơn 26.110 tỷ đồng năm 2010, bị đội vốn lên 47.890 tỷ đồng năm 2018, theo VnExpress.

Tuyến Cát Linh – Hà Đông đội vốn hơn 9 nghìn tỷ

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13 km được dự toán có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Tuy nhiên, đến năm 2017, tổng vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD); tăng 9.231 tỷ đồng (khoảng 315 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Đây là dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc cùng với vốn đối ứng trong nước.

Đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đội lên hơn gấp đôi

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án động thổ từ năm 2008, khởi công năm 2010 với dự kiến hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ dự án mới đạt khoảng 75%.

 Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội lại xin lùi mốc thời gian hoàn thành dự án này từ năm 2022 sang 2027, với tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng.

Đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo rục rịch xin đội vốn

Theo Tiền Phong, dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 19.550 tỷ đồng lên 35.670 tỷ đồng. Nếu được các cơ quan quản lý thông qua, dự án này sẽ đội vốn tới hơn 16 nghìn tỷ đồng.