Trong lịch sử ghi nhận nhiều vụ án tham nhũng hối lộ, việc điều tra và xử lý tham nhũng cũng thể hiện được tình hình triều chính lúc bấy giờ. Một triều đình với những vị quan thanh liêm thì ngàn vàng cũng không thay đổi được họ.
Mưu hối lộ để tráo ngôi Vua
Tô Hiến Thành là vị quan đại thần phụ chính qua hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông nổi tiếng công minh chính trực, được ban tước Vương dù không phải là tôn thất nhà Lý.
Vào thời vua Lý Anh Tông, con trưởng là Lý Long Xưởng được phong làm Thái tử. Tuy nhiên Long Xưởng khi trưởng thành thì trở nên hư đốn, ăn chơi phóng dật, còn tư thông với cả Phi tần của Phụ Hoàng.
Vua Lý Anh Tông truất ngôi Thái tử của Long Xưởng, đưa con nhỏ là Long Trát làm Thái tử. Trước khi mất Vua dặn dò Tô Hiến Thành phò tá Thái tử Long Trát lên ngôi.
Vua vừa mất, Chiêu Linh thái hậu muốn con mình là Long Xưởng lên ngôi. Bà không dám tìm gặp Tô Hiến Thành ngay vì biết rõ ông rất chính trực, bèn mang vàng bạc đút lót cho vợ ông. Đại Việt sử ký chép rằng:
Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”.
Chiêu Linh thái hậu đành gặp Tô Hiến Thành, dùng trăm cách cố gắng thuyết phục ông. Tô Hiến Thành đáp rằng:
“Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu.” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Hết tang Vua, Chiêu Linh thái hậu họp mặt các quan đai thần, dùng vàng bạc lợi ích thuyết phục họ, Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng:
Chiêu Linh hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở biệt điện, bảo rằng: “Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên”.
Các quan đều chắp tay cuối đầu nói: “Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh”.
Đều lạy tạ rồi lui ra. Hiến Thành quản Lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục.
Tô Hiến Thành là người nghiêm cẩn, các quan trong Triều đều nghe theo ông, nhờ đó mà Chiêu Linh thái hậu hối lộ các quan đều không thành.
Tham nhũng khiến nhà Vua tử trận
Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga đưa quân quấy nhiễu biên giới, vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đưa quân tiến đánh. Chế Bồng Nga dâng lên 10 mâm vàng xin nhận tội không quấy nhiễu Đại Việt nữa.
Tử Bình bèn lấy 10 mâm vàng này làm của riêng, tâu về Triều đình rằng Chế Bồng Nga kiêu ngạo không phục, cần phải đưa quân trừng trị. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại rằng:
Trước đây, chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên [vua]. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Vua giận lắm, quyết ý thân chinh.
Vua Duệ Tông nghĩ rằng Chiêm Thành không phục, thường xuyên quấy nhiễu, Vua bèn đưa 12 vạn quân sang đánh Chiêm Thành mặc cho nhiều người can ngăn. Kết quả vua Duệ Tông trúng kế của Chế Bồng Nga, bị vây trong Kinh thành Đồ Bàn.
Đỗ Tử Bình nắm hậu quân trong tay, thấy Vua lâm nạn nhưng không đến cứu. Vua Duệ Tông cùng hầu hết quân bị vây đều tử trận.
Hồ Quý Ly lo việc tập kết lương thảo đến cửa biển Di Luân (tức Quảng Bình), nghe tin Vua trúng kế tử trận thì sợ hãi bỏ chạy.
Tin dữ báo về Thăng Long, Thượng Hoàng Nghệ Tông sai bắt Đỗ Tử Bình nhốt vào cũi rồi giải về vì tội không cứu Vua. Khi qua Thiên Trường dân chúng biết tin liền kéo đến ném gạch đá vào thuyền chở Tử Bình.
Đỗ Tử Bình bị đày làm lính, nhưng nhà Trần đã mạt, Nghệ Tông sau đó phục chức cho Tử Bình, lại còn sai đi chống Chiêm Thành. Tử Bình đánh trận nào đều thua trận đó khiến Chiêm Thành nhiều lần chiếm được Thăng Long, nhà Trần suy yếu sau đấy mất về tay Hồ Quý Lý. Sau này vua Tự Đức viết về Tử Bình như sau: “Người này đáng giết, không dung tha được; thế mà lại còn vẫn dùng! Chính sự nhà Trần không có kỷ cương gì cả, trách nào chẳng bại vong”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên chép rằng: “Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của Bồng Nga, tấu bậy lừa vua, để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương nam không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp có tai họa Chiêm Thành vào cướp, tội ấy giết cũng chưa đáng, còn học nhảm chiều người thì chê trách làm gì”.
Xét xử một vụ tham nhũng lớn thời Nguyễn
Năm 1854, một thương nhân Trung Quốc là Chu Trung Lập gửi thư báo lên Triều đình rằng nhiều quan lại gây khó khăn, ăn của đút lót từ thuyền ngoại quốc. Vua Tự Đức liền cho Quản viện đô sát dẫn đầu một đoàn thanh tra đến Quảng Nam điều tra xem có thật không.
Quản viện đô sát báo về Triều đình rằng vụ việc có thật và có liên quan đến những quan lại giữ chức vụ cao. Án được trình lên, vua Tự Đức lệnh cứ chiểu đúng theo “Hoàng Việt luật lệ” mà xử. Tội tham nhũng thời nhà Nguyễn bị xử rất nghiêm khắc. 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức.
Các quan lớn như Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày. Các quan Tri huyện cũng bị bắt và xử nặng không sót một ai. Theo ghi chép từ các nguồn sử liệu thì đây được coi là vụ án tham nhũng lớn nhất với số quan lại liên quan nhiều nhất thời xưa.
Trần Hưng/ Trí Thức VN