Site icon MUC News

Nổi bật trong tuần: Cảnh sát trả giá vì thói côn đồ; Bão qua – lụt tới

tuần 4/9

Ảnh từ trái qua phải: Hình ảnh thiếu niên bị công an đánh; Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Quang Linh (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt; Nghệ An, Hà Tĩnh ngập sâu trong lũ - ảnh chụp màn hình báo VTC NEWS.

Việc 3 cảnh sát ở Sóc Trăng bị đuổi khỏi ngành công an sau những đòn đánh mang tính trả thù, lộ rõ thói côn đồ hạ lưu, đã làm dịu dư luận?

Bệnh dại quay trở lại

Trong tám tháng qua, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 40 ca tử vong do bệnh dại, một con số được WHO báo động.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016.

Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021), Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong). 

Phía Bộ Y tế nói “nguy cơ bùng dại” là “rất lớn”.

Miền Trung vượt qua siêu bão Noru

Tính đến số người thiệt mạng, bị thương và các thiệt hại về tài sản do bão số 4 (bão Noru) trực tiếp gây ra tại Miền Trung, có thể nói là nhẹ nhàng hơn dự tính. Bởi bão Noru khi áp sát bờ biển miền Trung vẫn là siêu bão mạnh nhất trong 20 năm qua từng đổ bộ Việt Nam, dự kiến sức tàn phá khủng khiếp trên đất liền.

Có một số nguyên nhân khiến miền Trung vượt qua siêu bão mà không phải nhận những hậu quả thảm khốc, trong đó có:

Bão vào Việt Nam đã giảm cấp do tự vỡ cấu trúc

Việc thông tin dồn dập, cảnh báo siêu bão liên tục trên truyền thông giúp người dân ý cao trong việc chống đỡ bão.

Chính quyền và người dân phối hợp di tản – chạy bão nghiêm túc

May mắn: Ngoài những lý do kể trên, những người còn tín ngưỡng cho rằng, Việt Nam đã may mắn được “phù trợ” để vượt qua cơn bão lịch sử này. Nhiều người trong tâm bão kể trải nghiệm khủng khiếp khi gió lớn gào rít mạnh chưa từng thấy, tuy nhiên họ không bị thương và tài sản không bị ảnh hưởng quá lớn.

Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Nghệ An – Hà Tĩnh đón lũ đầu mùa

Trong khi hầu hết sự chú ý đổ dồn về bão số 4, thì mưa lớn và ngay sau đó là hoàn lưu bão đã khiến nước vùng Nghệ An – Hà Tĩnh dâng cao, tạo thành đợt lũ đầu mùa nghiêm trọng.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Tại Nghệ An, mưa lũ đã khiến 7 người chết, gần 17.400 nhà dân bị ngập, hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp của người dân hư hỏng; hơn 400 con gia súc, hơn 80.000 gia cầm bị chết…

Tại Hà Tĩnh, đến 6h ngày 1/10, tỉnh này vẫn có trên 1.600 hộ dân bị ngập lụt, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn bị tê liệt. 

Tiếng thở dài từ vụ cảnh sát đánh thiếu niên

Vụ cảnh sát đánh thiếu niên ở Sóc Trăng khiến dư luận buông nhiều tiếng thở dài, và những lời nhận xét nặng trĩu.

Hình ảnh cảnh sát lao vào đánh học sinh khiến dư luận bức xúc – ảnh chụp màn hình clip.

Bắt trợ lý Phó thủ tướng thường trực

Ông Tô Anh Dũng- Thứ trưởng Ngoại giao, và ông Nguyễn Quang Linh- trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bị nhà chức trách buộc thôi việc do nhận hối lộ trong vụ các chuyến bay giải cứu trong đợt dịch Covid-19. Quyết định này mang tính quy trình là chủ yếu, bởi ông Dũng đã bị bắt trước đó, còn ông Linh bị bắt ngày 27/9 vừa qua.

Vụ án đang trong quá trình điều tra, chờ xử nên chưa công bố số tiền cụ thể các quan chức như ông Dũng, ông Linh được nhận. Ở một thông tin nói với báo giới hôm 4/6, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết theo điều tra, sau khi trừ các chi phí, các bị can trong vụ án đã trục lợi hàng tỷ đồng trong mỗi chuyến bay. Bộ Công an bước đầu chứng minh các bị can đã nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.

Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Quang Linh (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng -ảnh bocongan.gov.vn.

Nộp thêm nửa tỷ đồng và nhiều bằng khen, cựu Thứ trưởng y tế được giảm án

Hôm 30/9, trong phiên toà phúc thẩm  Nguyên Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường được giảm án một năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án thuốc giả ở VN Pharma. 

Theo tờ Tuổi Trẻ, tòa giảm án cho ông Cường là do ông cung cấp thêm 31 bằng khen của bản thân, của vợ và gia đình; đồng thời nộp thêm 500 triệu tiền khắc phục hậu quả.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Ngoài ông Cường được giảm án một năm, ông Phạm Anh Kiệt, cựu Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn, cũng được giảm một năm với lý do nộp thêm tiền khắc phục hậu quả.

Những người còn lại trong vụ này có đơn kháng cáo án sơ thẩm hồi tháng 5 vừa qua đều không được giảm án. Lý do tòa đưa ra là không có cơ sở để giảm.

Giá điện bình quân có thể tăng thêm 2.200 đồng/kWh, lo ngại EVN thêm độc quyền?

Theo Bộ Công Thương, giá điện bình quân (theo tỷ giá USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 – 9,4 cent/kWh vào năm 2030. Hiện tại, giá điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.864,44 đồng/kWh (7,9 cent/kWh). Nếu lên mức 8,4 – 9,4 cent/kWh, theo tỷ giá năm 2020, giá điện bình quân trong giai đoạn tới lên tương đương 1.982 – 2.218 đồng/kWh. 

Bộ Công Thương ước tính giai đoạn 2031 – 2050, giá điện bình quân sẽ trong khoảng 10,8 – 11,4 cent/kWh.

Phân tích của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang có thị trường bán buôn cạnh tranh, nhưng mới chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nên vẫn chưa hình thành một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Theo chuyên gia, chỉ có tạo ra thị trường cạnh tranh, thu hút được nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế thì các lĩnh vực kinh tế mới thành công, trong đó có ngành điện. Do đó, ngành điện không thể giữ mãi độc quyền. Việc cho EVN quyền tự quyết tăng giá bán điện bình quân nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ dễ làm tăng thêm sự độc quyền của tập đoàn này.