Chúng ta đôi khi nghe được những lời thị phi về mình, có thể đúng cũng có thể chưa thật đúng. Nhưng cách chúng ta hành xử lại nói lên độ nông sâu sự hàm dưỡng của mình. Người xưa luôn là tấm gương sáng với những câu chuyện về việc đối đãi với thị phi đáng để chúng ta học hỏi và suy ngẫm.
Bình tĩnh đối diện thị phi
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện quan cận thần là Hứa Kính Tôn:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn chắp tay thưa rằng:
– Tâu bệ hạ! Mưa mùa xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trượt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm. Hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương.
Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn, sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên hạ thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán…
Đường Thái Tông nghe xong tấm tắc:
– Khanh nói rất hay! Trẫm sẽ ghi nhớ.
Cổ nhân thường có câu: ‘Nhân vô thập toàn’, hay theo ‘lý tương sinh tương khắc’ trong vũ trụ. Tức là, có người tốt thì có người xấu, có người yêu thì sẽ có người ghét, có hay thì có dở. Tất cả để nói lên rằng, không ai có thể toàn vẹn mười phân vẹn mười.
Người bị mang tiếng thị phi, có thể chấp nhận những lời nói nặng, hay những lời không tốt đẹp về mình. Đứng trước thị phi, họ hiểu rằng, bản thân mình hẳn đã có những điều chưa tốt. Và từ đó họ lựa chọn sửa chữa nó để hoàn thiện bản thân. Nói cách khác, họ biết dùng thị phi để soi lại chính mình.
Khi chúng ta hiểu được đạo lý “nhân vô thập toàn”, cũng hiểu được lý nhân quả không có sai sót, vì thế mà giữ được thái độ điềm tĩnh, lạc quan.
Vận dụng lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni
Một lần, Phật Thích Ca đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo đạo Bà La Môn. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả.
Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Phật gia giảng về nhân duyên quả nghiệp, mọi sự việc xảy ra với một con người không phải vô duyên vô cớ. Một người hiểu được mối quan hệ nhân duyên phía sau, tâm tự thản nhiên bước qua những thị phi nhân ngã, từ đó hoá dữ thành lành.
Người đời không hiểu nhân duyên quả nghiệp, trong vô minh họ sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ danh tiếng bản thân, hay lợi ích của riêng mình. Từ đó nợ cũ chưa trả, lại gây thêm oán nghiệp.
Sử dụng đạo của người quân tử, không tranh hơn thua với đời
Thời Bắc Tống từng có hai vị thừa tướng, nhưng chính sách trị vì thiên hạ của hai người lại hoàn toàn trái ngược. Tư Mã Quang luôn giữ tư tưởng truyền thống, Vương Thạch Anh thì chủ trương cách tân. Sau cùng, Vương An Thạch được trọng dụng, Tư Mã Quang tự thoái vị rời kinh thành đi Vĩnh Hưng.
Lúc này, hoàng đế mới hỏi Vương An Thạch có cách nhìn thế nào về Tư Mã Quang. Không ngờ Vương An Thạch vô cùng tán dương, gọi Tư Mã Quang là trụ cột triều đình. Đối với nhân phẩm và thực lực, tài học văn chương của Tư Mã Quang đều có những đánh giá cao.
Tư Mã Quang đến Tây Kinh – Lạc Dương không tham gia đàm luận chính sự mà chỉ tập trung viết sử.
Vương An Thạch sau khi được lựa chọn, thực thi cải cách nhưng kết quả bất thành. Gặp nhiều sự phản ứng của các quan trong triều và dân chúng nên ông bị bãi chức. Sau đó lại có nhiều người tố cáo Vương An Thạch với hoàng đế, hoàng đế quay ra hỏi ý kiến Tư Mã Quang.
Điều bất ngờ là Tư Mã Quang không vì thấy người ngã giếng mà ném đá, ngược lại, ông thưa:
– Vương An Thạch là người xem cái ác như kẻ thù, một dạ chí trung, xin điện hạ chớ có nghe lời xàm tấu.
Hoàng đế nghe Tư Mã Quang đáp vậy liền nói:
– Quân tử chi tranh thản đãng đãng (tức là quân tử cạnh tranh đường đường chính chính, quang minh chính đại).
Bậc quân tử hiểu được mệnh trời nên dễ dàng chấp nhận thời vận. Họ hiểu được rằng, vinh hoa phú quý thảy đều từ đức mà ra. Công danh chưa toại hẳn phúc đức mỏng. Cho nên họ lựa chọn quay về tu thân tích đức. Và hành động thực chất của tu thân tích đức là đoạn ác tu thiện, hiểu nhân duyên quả nghiệp, không tranh đấu hơn thua với đời…
Thị phi là một tất yếu của cuộc đời mà không ai có thể tránh được. Nhưng cách chúng ta đối đãi với nó lại nói lên bản lĩnh và cảnh giới tinh thần của mỗi người. Chúng ta có thể bình tĩnh đối diện với thị phi.
Đồng thời học cách im lặng như cách mà các Đấng Giác ngộ đã hành xử: bình tĩnh lắng nghe, hiểu nhân duyên quả nghiệp, hoá giải ác duyên kết thiện duyên và tâm thái hoà ái tự tại không tranh đấu hơn thua với đời. Khi những giá trị từ những tấm gương của người xưa được vun bồi, chúng ta sẽ có tâm thái an yên hơn dẫu bể đời lắm thị phi nhân ngã.
Có thể bạn quan tâm: