Lúc 19h50 tối 4/10, vụ va chạm trên cầu treo sông Giăng giữa ôtô Ford Everest chở 3 người với xe máy chở 2 người đã khiến 5 nạn nhân tử vong.
Khoảng 8m lan can cầu treo sông Giăng bị ôtô húc bay (ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ). |
Trả lời phỏng vấn báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Hoài – Cục phó Cục QLĐB II, Tổng cục ĐBVN cho biết: Cầu treo sông Giăng, nằm ở lý trình Km105+970 Ql46C được xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 1987.
Vị trí xảy ra tai nạn tối 4/10 trước đây là bến đò sông Giăng. Vào năm 1985, nơi này từng xảy ra vụ chìm đò làm 11 em học sinh tử vong. Hai năm sau vụ tai nạn thảm khốc đó, cây cầu được đưa vào sử dụng. Ban đầu, cầu này do Sở GTVT Nghệ An quản lý. Đến năm 2017, cầu được chuyển giao cho Cục quản lý.
Ông Hoài cho biết, từ khi tiếp nhận, Cục QLĐB II đã đề nghị sửa chữa cầu theo dự án khẩn cấp, tuy nhiên sau đó không được phê duyệt. Cây cầu thường xuyên ở tình trạng “rất yếu”.
“Vào năm 2017, khi cầu hư hỏng quá nặng Cục cũng đã tiến hành sửa chữa và duy tu bảo dưỡng hàng năm, tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì cây cầu này vẫn thường trực nguy cơ mất ATGT”, ông Hoài cho hay.
Vẫn theo báo Giao thông, một điều tra viên của Công an huyện Thanh Chương tiết lộ: “Khi khám nghiệm hiện trường chúng tôi thấy hết sức bất ngờ vì lan can cầu quá yếu. Hệ thống lan can này gần như không còn tác dụng chịu lực và ngăn cản phương tiện. Nhìn vậy thôi chứ sắt bên trong gỉ mọt hết rồi”.
Quan sát của phóng viên thì phần cầu, cáp, trụ bê tông đã in hằn “dấu vết thời gian” với nhiều vị trí sắt bị hoen gỉ, bê tông nứt nẻ. Đặc biệt, vào ban đêm, cầu tối om không có điện chiếu sáng.
Chiếc ôtô bị lao xuống sông Giăng đêm 4/10 (ảnh chụp màn hình báo Zing). |
VnExpress cho biết, cầu treo sông Giăng dài 120 m, bề rộng khoảng 4 m đủ hai ôtô 7 chỗ tránh nhau, mặt cầu đổ bê tông. Khoảng cách từ cầu tới mặt nước là hơn 20 m. Sau vụ tai nạn, khoảng 8 m lan can bị đâm gãy được buộc tạm bằng thanh tre và rào chắn bảo vệ.