1810-aynh-chuyp-mayn-hiynh-2020-09-16-luyc-40242-ch-1
Ảnh chụp từ màn hình hiển thị trên báo Pháp Luật.

Trải qua 14 vòng đàm phán, vượt rất nhiều khó khăn, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) đã đạt được thỏa thuận và có hiệu lực từ ngày 1/8.

Sau 1 tháng, nhiều mặt hàng nông sản Việt đã lên đường sang Châu Âu, từng ngày tận dụng lợi thế về thuế và các ưu đãi khác từ Hiệp định EVFTA. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói trên Báo Chính phủ, hiện gạo, tôm, cà phê, trái cây… đang là những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam tại thị trường EU.

Ông Cường dẫn chứng, ngày 16/9, Bộ Nông nghiệp cùng tỉnh Gia Lai tổ chức lễ xuất khẩu cà phê và chanh leo sang EU theo hiệp định EVFTA; ngày 17/9 tại Bến Tre là lễ xuất khẩu trái cây sang thị trường này sau khi được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Trước đó, đã có lễ xuất khẩu tôm sang EU theo EVFTA tại Ninh Thuận.

Theo Bộ trưởng Cường, với mặt hàng cà phê, chúng ta hoàn toàn có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU sau khi thuế suất giảm từ 15% xuống 0%. Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

EU cũng là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).

Gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan. Trong gần 1 tháng triển khai EVFTA, những tác động tích cực đã lan tỏa đến ngành gạo xuất khẩu, cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200USD/tấn.

Rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ.

Đặt biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.

Theo VnExpress, các đơn hàng nông sản Việt khác như chanh leo, dừa, bưởi, thanh long… cũng được các Công ty Đồng Giao, Vina T&T Group chuẩn bị xuất đi EU trong thời gian sắp tới.

Nhận định về những khó khăn, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói trên Báo Đầu tư, nông sản Việt Nam muốn gia tăng xuất khẩu thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn GAP (Vietgap, Global Gap).

Châu Âu là thị trường rất khó tính. Các quy định về kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe. Nếu DN vi phạm sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cho cả ngành. Do đó, việc sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GAP là yêu cầu bắt buộc.

Các DN phải xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch cũng cần chú trọng. Nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu từng nước, từng vùng họ đang cần mặt hàng nào. Nhà nước cũng cần hỗ trợ các DN, đặc biệt là các tham tán thương mại tại các nước EU.

Ý kiến trên cũng tương đồng với nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Theo ông Cường, cần làm tốt ở thị trường châu Âu, từ đó lấy làm tham chiếu, tham khảo tới các thị trường khác.

“Chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường này để làm “tín chỉ” chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân”, ông Cường nói.