Quyết định trên có hiệu lực ngay sau khi ký để các cơ quan hành pháp thực hiện quy trình tố tụng hình sự theo quy định Pháp luật.

Theo báo Tuổi Trẻ, quyết định này căn cứ theo điều 101 của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, nếu đại biểu HĐND bị khởi tố thì thường trực HĐND địa phương đó có quyền tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND của đương sự.

Vào tháng 5/2016, ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) được bầu là đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021 với số phiếu cao nhất kỳ bầu cử, đạt 95,18%.

1133-anh
Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Theo Thanh Niên, trước đó ngày 11/8, Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội và chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Chung để điều tra trách nhiệm liên quan trong một số vụ án.

Đến ngày 28/8, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố, tạm giam 4 tháng, đồng thời khám xét chỗ ở và nơi làm việc của ông Chung để điều tra vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Theo Tiền Phong, ngoài cáo buộc về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, ông Chung có liên quan đến một số vụ án khác như “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung còn liên quan đến cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại thành phố Hà Nội.