Tin tức về việc ba công ty viễn thông nhà nước lớn của Trung Quốc thành lập các liên minh chiến lược với ba gã khổng lồ công nghệ thuộc khu vực tư nhân là Tencent, Alibaba và JD.com, đã gây ra một làn sóng chấn động trong cộng đồng doanh nghiệp – những người hiện đang tìm hiểu ý nghĩa đằng sau các động thái này.

Nhà báo Katsuji Nakazawa với bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc, đã có bài phân tích về vấn đề này đăng trên tờ Nikkei Asia.

Chiến lược kinh tế của ông Tập

Các liên minh này nhiều khả năng sẽ viết lại câu chuyện của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang phát triển kể từ khi chính sách “cải cách và mở cửa” được đưa ra cách đây khoảng 40 năm.

Tencent, công ty vận hành ứng dụng nhắn tin WeChat và gần đây đã trở thành một công ty lớn trên thị trường game toàn cầu, đã thành lập một liên doanh sở hữu hỗn hợp với China Unicom.

Tencent đã không thể chống lại áp lực từ các cơ quan chức năng về việc thành lập liên doanh, và China Unicom đang nắm quyền chỉ đạo liên doanh. Một trí thức lớn tuổi lưu ý rằng hành động này trông giống như của Mao Trạch Đông. Ông nói: “Về cơ bản, đó là những gì Mao đã làm trong những năm 1950, để nhà nước nắm quyền kiểm soát các công ty tư nhân.”

Việc Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), muốn có một cơ chế để chuyển sức mạnh của khu vực tư nhân vào khu vực công đã nói lên rất nhiều điều về chiến lược kinh tế của ông trong 5 năm tới.

Điều không thể bỏ qua là chiến lược kinh tế này có liên quan sâu sắc đến quan điểm của ông về mục tiêu thống nhất Đài Loan. Trong một báo cáo trước đại hội toàn quốc của đảng vào ngày 16/10, nhà lãnh đạo lần đầu tiên tuyên bố rằng Trung Quốc “sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ việc sử dụng vũ lực” đối với Đài Loan.

“Họ đang chuẩn bị cho sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đang nhắm tới việc thống nhất Đài Loan,” một chuyên gia Trung Quốc khác bình luận: “Bạn nên hồi tưởng lại nền kinh tế thời chiến kiểu Mao Trạch Đông”.

Nền kinh tế thời chiến kiểu Mao Trạch Đông chính là “Phong trào Mặt trận thứ ba” mà Mao bắt đầu theo đuổi vào những năm 1960 để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ hoặc Liên Xô.

Lấy danh nghĩa tạo ra một nền kinh tế tự lực trong bối cảnh bị quốc tế cô lập, ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã được di dời vào các khu vực nội địa ở phía Tây đất nước để thâu tóm các nguồn lực kinh tế.

Một ví dụ điển hình là tập đoàn sản xuất thép thuộc sở hữu nhà nước Phàn Chi Hoa (Panzhihua), được thành lập ở vùng hẻo lánh của tỉnh Tứ Xuyên. Mao ra lệnh xây dựng Panzhihua vào tháng 5/1964, nói rằng “đây không phải là vấn đề nhà máy thép mà là một vấn đề chiến lược”.

Mặt trận thứ ba đề cập đến các tỉnh nội địa như Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Thiểm Tây. Các vùng ven biển là Mặt trận thứ nhất. Mặt trận thứ hai tiếp giáp với Mặt trận thứ nhất. Mặt trận thứ ba lại tiến sâu hơn vào các vùng nội địa.

Việc xây dựng Phong trào Mặt trận thứ ba không đạt hiệu quả về mặt kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc bị quốc tế cô lập. Mãi cho đến những năm 1980, Trung Quốc mới khôi phục lại chính sách này, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào năm 1972.

Ở Nhật Bản thời Thế chiến II cũng vậy, nhiều công ty đã hoạt động dưới sự bảo trợ của quân đội như một phần của quá trình chuẩn bị cho chiến tranh.

Chính quyền Tập luôn sẵn sàng thúc đẩy quyền sở hữu hỗn hợp. Nhưng “sở hữu hỗn hợp” không mô tả chính xác những gì đang diễn ra: Các công ty quốc doanh yếu kém đang nuốt chửng các công ty tư nhân năng động.

Vào đầu tháng 11, khoảng thời gian mà tin tức về các liên doanh xuất hiện, một bài báo chỉ ra sự phi lý trong chính sách sáp nhập các công ty tư nhân của Mao bắt đầu lan truyền trên internet, và sau đó bị chặn khi cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu tranh luận sôi nổi về bài báo.

Chỉ có 101 công ty nhà nước chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương. Các công ty này tạo thành một trụ cột của chế độ cộng sản và bao gồm ba gã khổng lồ viễn thông thuộc sở hữu nhà nước.

China Telecom sẽ tiếp tục liên minh chiến lược với Tập đoàn Alibaba, công ty thương mại điển tử lớn nhất Trung Quốc, trong mối quan hệ đối tác đã có từ tháng 5/2017.

China Mobile, công ty viễn thông lớn nhất của đất nước, và JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của đất nước, đã thành lập một liên minh chiến lược thông qua các công ty con Shanghai Mobile và JD Technology.

Điều đáng ngạc nhiên là ngày công khai tin tức về liên minh giữa các công ty viễn thông nhà nước với những gã khổng lồ internet là ngày 2/11/2022.

Hai năm trước, vào ngày 2/11/2020, Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba bất ngờ bị chính quyền Trung Quốc triệu tập để thẩm vấn. Do vậy, thời gian công bố tin tức trên dường như không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Điều kỳ lạ là Ma, một đảng viên, đã ở Nhật Bản trước đại hội toàn quốc gần đây của Trung Quốc. Hiện vẫn chưa có tin tức nào về việc ông ấy đã trở lại Trung Quốc.

Hoàn cảnh của Jack Ma hơi giống với Hồ Cẩm Đào. Vị cựu chủ tịch nước 79 tuổi bị buộc phải rời sân khấu trong lễ bế mạc đại hội toàn quốc “vì lý do sức khỏe” theo chỉ thị của ông Tập.

Khi xem xét hành vi bất thường của Hồ, chắc hẳn ông ấy muốn nói điều gì đó, giống như Ma đã làm hai năm trước, mặc dù vẫn chưa rõ ông Hồ muốn nói gì. Giờ đây, đoạn video cho thấy rằng tập tài liệu trước mặt Hồ đã bị giằng co qua lại, sẽ không dễ dàng để ông Hồ tham dự các sự kiện quan trọng kể từ đó trở đi.

Chính sách kinh tế kiểu Mao không giới hạn trong các liên doanh giữa nhà nước và tư nhân.

Các cửa hàng được gọi là “hợp tác xã cung ứng và tiếp thị” bắt đầu mọc lên như nấm khắp cả nước. Tương tự, các trung tâm công cộng chuyên cung cấp các nhu yếu phẩm hàng ngày cùng với các “công xã nhân dân,” là không thể thiếu trong thời đại Mao.

Hợp tác xã cung ứng và tiếp thị là các tổ chức công được nhà nước tài trợ bán sản phẩm với ưu đãi. Chúng đã gia tăng vai trò do các đợt phong tỏa được áp dụng như một phần của chính sách zero-COVID hà khắc tại Trung Quốc.

Trong khi người Trung Quốc lớn tuổi có thể nhớ hoặc biết về các hợp tác xã tiếp thị và cung ứng từ thời Mao, Trung Quốc ngày nay đã trở nên giàu có. Sự hồi sinh bất ngờ của các hợp tác xã đang khiến nhiều người Trung Quốc lo lắng.

Làm thế nào điều này có thể kết nối để phù hợp với sự thống nhất Đài Loan?

Một góc độ là những bài học từ cuộc chiến khó khăn của Nga ở Ukraine. Kết cục của chiến tranh hiện đại phụ thuộc vào bên nào giành được ưu thế tối cao trong lĩnh vực viễn thông và internet, khi mà chiến tranh mạng và thông tin đang ngày càng trở nên phổ biến.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, ba công ty nhà nước kiểm soát cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc trở nên rất quan trọng.

Nhưng một mình họ sẽ không đủ sức để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Trung Quốc chỉ có thể tiến hành chiến tranh nếu họ cũng kiểm soát các công ty CNTT tư nhân cũng như các công ty lớn cung ứng hàng hóa.

Nếu Trung Quốc mở rộng các liên doanh nhà nước-tư nhân trong các lĩnh vực quan trọng trong thời chiến, nước này sẽ có thể ngay lập tức phát động chiến tranh.

Khi Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn Mỹ viện trợ cho Đài Loan, những căng thẳng chưa từng có giữa các cường quốc có thể trở thành cái cớ để sử dụng vũ lực.

Một kịch bản như vậy có thể mang đến cho ông Tập một cơ hội vàng để nhanh chóng phục hồi sau thất bại chính trị tại đại hội đảng, nơi ông đã không thể thông qua tất cả các sửa đổi điều lệ đảng mà ông mong muốn, nhiều khả năng do sự phản đối của các nguyên lão trong đảng.

Nếu ông Tập thành công thống nhất Đài Loan, điều đó chắc chắn sẽ đặt ông ngang hàng với Mao, và ông ấy sẽ không cần quan tâm đến việc vượt qua Đặng Tiểu Bình nữa.

Sau đó, ông Tập Cận Bình có thể có được vị thế lãnh tụ tối cao trọn đời tại đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng, vào năm 2027.

Với việc ông Tập Cận Bình đang chơi một trò chơi địa chính trị nhiều rủi ra khiến những năm sắp tới sẽ tiềm ẩn nhiều sóng gió.

Có thể bạn quan tâm: