Khi tìm hiểu “Pháp Luân Công là gì”, cư dân mạng có thể thấy không ít thông tin trái chiều. Các học viên nói môn này rất tốt. Chính quyền Trung Quốc nói môn này rất xấu.
Các “bên thứ ba” cũng đưa ra ý kiến của mình. Dưới đây là tổng hợp ý kiến của các bên khác nhau:
Trang web chính thức của Pháp Luân Công
Website chính thức cung cấp các tài liệu về Pháp Luân Công là trang falundafa.org. Trang web này nói rằng Pháp Luân Công là “môn tu luyện Phật gia thượng thừa”; lấy việc “đồng hoá với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ” làm chỉ đạo cho tu luyện.
Sách “Chuyển Pháp Luân” có trên website viết rằng Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện tính mệnh song tu. Thông qua việc đề cao tâm tính và rèn luyện 5 bài công pháp, người học có thể thanh lý những thứ xấu (gồm cả bệnh tật) ra khỏi thân thể và tư tưởng.
Môn tập nhấn mạnh vào việc đề cao tâm tính theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn. Nếu không đề cao tâm tính thì không thể tăng công; không thể khỏi bệnh; và cũng không phải là người tu luyện chân chính.
Người tập chia sẻ Pháp Luân Công là gì?
Bác sĩ Damon Noto, học viên Pháp Luân Công người Mỹ, cho biết: “Pháp Luân Đại Pháp là môn thiền định mà bạn có thể tập hàng ngày. Môn này có các bài tập đơn giản cùng với triết lý sống giúp con người hướng thiện”.
Ông Noto nói thêm: “Đây là môn tu luyện cả tâm lẫn thân, hiện rất được yêu mến ở phương Tây.”
Pháp Luân Công qua chia sẻ của những người tu luyện.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân, nói rằng Pháp Luân Đại Pháp “là pháp môn tu luyện tâm tính con người; tu luyện sức khỏe con người theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn; để làm cho con người sống tốt đẹp hơn, xã hội yên bình hơn”.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thanh Thái, nguyên trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ môn khí công này đã giúp bà vượt qua “cửa tử” bị thải ghép sau mổ tim.
Trang tin Nguyện Ước đã tổng hợp “những trường hợp khỏi bệnh thần kỳ nhờ tu luyện Pháp Luân Công”. Nhiều học viên còn cung cấp số điện thoại để độc giả có thể liên lạc và hỏi thăm chi tiết.
Chính quyền Trung Quốc nói gì về Pháp Luân Công?
Khi Pháp Luân Đại Pháp phát triển rộng khắp ở Trung Quốc vào những năm 1990; giới cầm quyền Bắc Kinh đã thay đổi lập trường từ khen ngợi sang bôi nhọ môn tập.
Khen ngợi
Trước năm 1996, “Pháp Luân Công được chính quyền (Trung Quốc) ca ngợi là đóng góp tích cực cho phúc lợi thể chất và đạo đức” của người dân, theo Bitter Winter, một trang tin có trụ sở tại Italy.
Môn tu luyện này đã nhận được nhiều giải thưởng từ các cơ quan ban ngành tại Trung Quốc; theo thống kê trên trang Minghui.org.
Bôi nhọ
Từ năm 1996, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu đăng các bài công kích Pháp Luân Đại Pháp. Từ tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố môn này là tà đạo và bắt đầu chiến dịch đàn áp.
Các năm sau đó, Bắc Kinh bổ sung thêm nhiều cáo buộc nhắm vào Pháp Luân Đại Pháp. Năm 2002, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết ĐCSTQ cáo buộc môn này là tổ chức khủng bố. Còn có các cáo buộc như “chống Trung Quốc”, “chống người Hoa”, “phản động”, “mê tín”…
The Economist viết: “Cùng với người Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các nhà hoạt động dân chủ, và người Đài Loan ủng hộ độc lập, các học viên Pháp Luân Công bị xếp vào ‘ngũ độc’ – những nhóm mà đương quyền Trung Quốc thừa nhận là đe dọa lớn nhất đối với sự cai trị của họ”.
“Pháp Luân Công là gì” từ góc nhìn thứ ba
Khác với Trung Quốc, thông tin về Pháp Luân Đại Pháp tại các nước phản ánh đa chiều hơn. Một số báo nước ngoài nhắc đến môn này giống như tuyên bố chính thức của Bắc Kinh. Một số nhà quan sát thì bác bỏ phát ngôn của ĐCSTQ.
Những lời tuyên truyền chống lại Pháp Luân Đại Pháp chỉ là “công cụ được chế tạo ra” để ĐCSTQ đàn áp môn tập này, theo cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu“.
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp là nạn nhân của hệ thống thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Đó là kết luận trong Phán quyết Cuối cùng của Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal); một tòa án độc lập tại Luân Đôn, Anh Quốc năm 2020.
Pháp Luân Công trên thế giới
Không chỉ đàn áp Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc; Bắc Kinh còn gây áp lực để các nước chống lại môn tập. Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết chính quyền Trung Quốc đã “thành công trong việc hạn chế sự phát triển của Pháp Luân Công ở các nước khác thông qua việc cảnh báo rằng việc chấp nhận môn này có thể phá hoại mối quan hệ song phương”.
Tại Việt Nam, các học viên Pháp Luân Đại Pháp có thể đối mặt với một số tình huống khó khăn từ chính quyền. Tạp chí Luật Khoa thống kê có ít nhất 71 trường hợp công an ngăn cản, thu giữ tài liệu, phạt hành chính liên quan đến việc phổ biến môn tập này trong năm 2020.
Dù bị đàn áp và ngăn cản, Pháp Luân Đại Pháp vẫn phổ biến khắp thế giới. Luật sư nhân quyền Canada David Matas bình luận Pháp Luân Công là “hiện tượng toàn cầu”. Nhà lập pháp Úc Craig Kelly tuyên bố “Pháp Luân Đại Pháp là tốt; và Chân Thiện Nhẫn là những giá trị mà chúng ta tôn trọng trên khắp thế giới”.
Video giới thiệu về Pháp Luân Công đầy trên mạng
Tại Trung Quốc, Pháp Luân Đại Pháp là một trong các chủ đề bị kiểm duyệt nghiêm ngặt nhất; theo báo cáo của Freedom House. Người dân chủ yếu chỉ được biết thông tin từ chính phủ. Nhiều người tưởng rằng các nước khác cũng cấm Pháp Luân Công như Trung Quốc. Vì vậy, họ rất sốc khi ra nước ngoài và nhìn thấy người phương Tây cũng tập Pháp Luân Công.
Khi không còn bị kiểm duyệt internet; họ có thể tìm kiếm thông tin đầy đủ xem “Pháp Luân Công là gì”; tin ai là sự lựa chọn của lương tri.